Trên thị trường hiện nay xuất hiện không ít lời chào mời thuốc lá điện tử nhắm vào giới trẻ. Những người bán sản phẩm này cho rằng, thuốc lá điện tử là giải pháp an toàn, thân thiện và giúp cai nghiện thuốc lá điếu.
Tại hội thảo về các vấn đề liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc lá mới, nhiều chuyên gia của Bộ Y tế đã chỉ ra những ngộ nhận sai lầm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tương tự như trên.
Theo bà Trần Thị Trang - quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá điếu thông thường.
Thậm chí, loại thuốc lá này còn có nguy cơ gây nên các bệnh mạn tính và ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và nếu năng có thể gây ung thư.
"Năm 2019 tại Mỹ, đã ghi nhận nhiều trường hợp tổn thương phổi nghiêm trọng, trước đó từng sử dụng thuốc lá điện tử. Đến năm 2020, số ca bệnh tiếp tục tăng và ghi nhận 68 ca tử vong", bà Trần Thị Trang dẫn chứng.
Tại Việt Nam, các cơ sở y tế đã tiếp nhận và điều trị rất nhiều trường hợp là học sinh, thanh thiếu niên phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy trộn thuốc lá điện tử.
Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc thuốc lá điện tử vào viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác.
Trước đề xuất thí điểm kinh doanh thuốc lá mới từ năm 2020 - 2022, Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
“Quan điểm của Bộ Y tế là không thí điểm sản phẩm có hại cho sức khỏe. Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ sản phẩm thuốc lá mới (bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) vì đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe", bà Trang nhấn mạnh.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 32 quốc gia trên thế giới cấm thuốc lá điện tử và 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ. Trong khi đó, cũng có 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng.
Riêng tại khu vực Đông Nam Á, đã có 5 quốc gia cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Theo laodong