1.Tính vị và công dụng của mật ong
Mật ong tính bình, vị ngọt, lợi vào các kinh tỳ, phế, và đại tràng; có tác dụng nhuận tràng thông tiện, nhuận phế giảm ho, bổ dưỡng tỳ vị, thanh nhiệt, giải độc, giảm đau; chủ trị các bệnh về họng và các bệnh lao phổi, ho khan không có đờm, tỳ vị hư nhược, yếu tim, cao huyết áp, đau dạ dày, viêm da, suy nhược thần kinh và các tổn thương do lạnh…
Theo các sách thuốc cổ, sử dụng mật ong làm thuốc nhuận phế (bổ phổi), bổ trung (hệ tiêu hóa) cần nấu chín. Để giải độc, giảm đau thì dùng sống. Dùng nhiều cũng dễ dẫn đến đầy bụng. Người có thấp nhiệt đàm trệ, trướng bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy không nên dùng.
2.Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu của y học hiện đại: Mật ong chứa hơn 180 loại chất khác nhau. Tuy nhiên, thành phần và hàm lượng các chất trong mật ong phụ thuộc vào chủng loại mật. Chủng loại mật ong phụ thuộc vào điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Chất lượng mật ong có liên quan với các loại hoa thực vật cho nguồn mật.
Tuy nhiên, mật ong hàm chứa chủ yếu là các chất đường (còn gọi là chất đường bột) là nguồn năng lượng chủ yếu của cơ thể. Trong mật ong, đường chiếm tới 70-80%. Ngoài ra còn có các chất muối vô cơ, các acid hữu cơ, men tiêu hóa, nguyên tố vi lượng… có tác dụng nâng cao sức đề kháng, kích thích quá trình sinh trưởng phát dục của cơ thể, bảo vệ gan…
Sử dụng mật ong làm thuốc nhuận phế (bổ phổi) cần nấu chín
3.Các phương thuốc với mật ong chữa bệnh
3.1 Mật ong, cùi hồ đào: Cùi hồ đào 1000g, mật ong 1000 ml. Cùi hồ đào thái miếng, cho mật ong vào trộn đều, thêm nước vừa đủ, đun chín. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa 15-20 ml, uống ấm.
Hỗ trợ và điều trị chứng hen suyễn.
3.2 Mật ong, gạo lứt: Gạo lứt 100g, bơ 30g, mật ong vừa đủ. Cho nước và gạo lức vào nồi nấu thành cháo. Cháo chín cho thêm bơ và mật ong vào là dùng được.
Thích hợp hỗ trợ và điều trị chứng dương hư, người mệt mỏi, bị nhiệt, xẹp phổi ho nhiều,họng khô miệng khát, viêm loét miệng, da khô
3.3. Ngũ vị mật ong: Củ cải 1000g, quả lê 1000g, mật ong 250ml, gừng tươi 250g, sữa đặc 200ml. Quả lê và củ cải ép lấy nước, bỏ bã, cho vào nồi đun sôi, cho nhỏ lửa sắc kỹ, cô đặc như cao, cho nước gừng ép, cùng sữa đặc và mật ong trộn đều. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa 15ml, hòa tan trong nước sôi hoặc pha thêm một chút hoàng tửu (rượu) mà uống.
Thích hợp hỗ trợ và điều trị người mắc chứng hư lao như lao phổi nhiệt thấp, ho lâu ngày không khỏi...
3.4 Trứng gà rán chấm mật ong: Trứng gà 2 quả, mật ong 2 thìa café. Trứng gà tráng dầu mỡ cho chín, đổ mật ong vào ăn ngay lúc nóng, ăn liền trong 2 - 3 tháng.
Thích hợp cho trẻ em bị hen phế quản.
Bách bộ, vị thuốc trị ho
3.5 Hồ đào ủ mật ong: Hạch đào nhân 500g, mật ong 150ml, đường trắng 60g. Bỏ hạch đào nhân vào ngâm nước ấm cho nở ra, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, bỏ vào bát, cho đường trắng vào, đặt vào ngăn hấp, hấp trong 15 phút, chờ cho nguội lấy ra bỏ vào đĩa (để nước cốt lại). Đặt lên bếp lửa, đổ mật ong vào, đun nhỏ lửa cho sôi.
Thích hợp và hỗ trợ điều trị chứng thận hư hen suyễn, đại tiện táo kết. Có thể dùng thường xuyên để tăng cường sức khoẻ, chống lão suy.
3.6 Bách bộ mật ong: Bách bộ 30g, mật ong 2-3 thìa. Bách bộ sắc với 120ml nước còn 60 ml nước, cho mật ong vào, chia uống 2 lần/ngày.
Thích hợp và hỗ trợ điều trị chứng ho lâu ngày.
3.7 Mật ong, lá hẹ, trúc lịch: Nước lọc từ lá hẹ 10ml, nước trúc lịch 20ml, sữa dê 250ml, mật ong 20ml. Đổ cả vào nồi khuấy đều, đun lên, uống nóng thay trà.
Thích hợp và hỗ trợ điều trị với người mới mắc bệnh nghẹn, nuốt thức ăn khó khăn, nôn, ợ cả đờm và thức ăn ra ngoài.
Theo suckhoedoisong.vn