Tài nguyên dược liệu phong phú ở Việt Nam
Với hơn 12.000 loài thực vật tại Việt Nam thì có gần 6.000 loài cho công dụng làm thuốc, nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý hiếm trên thế giới. Đó là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành chế biến thuốc chữa bệnh của Việt Nam. Trong nền Văn Lang, Ðại Việt hay cho đến ngày nay, những y lý và y thuật dựa trên nền tảng của sự kết hợp lý luận y học Phương Ðông (Ðông y) với các kinh nghiệm chữa bệnh của cộng đồng gồm 54 dân tộc Việt Nam, cùng với kinh nghiệm sử dụng các nguồn dược liệu, thảo dược phong phú của đất nước ta trong vùng nhiệt đới tạo thành một nền y học truyền thống hay còn gọi là Y học cổ truyền Việt Nam.
Phát huy giá trị y học truyền thống, cách đây hơn 2 thập niên, Chỉnh phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 37/CP ngày 20/6/1996 về "Định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và Chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam". Đồng thời có chiến lược phát triển Y học cổ truyền, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng được 60% nhu cầu của bệnh viện, trong đó ít nhất có 30% số thuốc được sản xuất trong nước là thuốc có nguồn gốc từ dược liệu.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Người Việt ta cũng có thói quen và sở thích dùng các loại cây cỏ dược liệu hơn là lạm dụng thuốc tây.Theo các chuyên gia, mặc dù ở Việt Nam có rất nhiều loài cây cho công dụng làm thuốc, nhưng lâu nay do khai thác quá mức và không được quản lý tốt nên nhiều cây thuốc quý đã biến mất. Hiện nay, dù đã được chú trọng hơn nhưng tại nhiều vùng trên cả nước vì lợi ích ngắn hạn nên vẫn để thương lái nước ngoài thu mua tự do rồi xuất qua kênh tiểu ngạch nên hiệu quả kinh tế thấp.
Khắc phục các hạn chế này, nhằm bảo tồn và gắn với phát triển kinh tế, nhiều vùng dược liệu cũng đã được quy hoạch như Đà Lạt, Mường Lống, Kỳ Sơn - Nghệ An, Pù Luông - Thanh Hóa, khu vực miền núi phía Bắc (huyện Ba Vì, Mỹ Đức - Hà Nội, Quảng Bạ - Hà Giang,.. ).
PGS.TS Trần Văn Ơn, nguyên Trưởng Bộ môn Thực vật, Trường đại học Dược Hà Nội cho rằng, để phát triển kinh tế dược liệu cần trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn một gồm nghiên cứu về lịch sử và giá trị của thuốc dân gian để đưa thành các phương pháp chăm sóc sức khỏe hiện đại; giai đoạn hai là chuyển giao lại cho cộng đồng bản địa đồng thời hỗ trợ bản địa thành lập doanh nghiệp cộng đồng hoặc hợp tác xã để "biến cây thuốc thành tiền"; giai đoạn thứ ba là mỗi cộng đồng này xây dựng vườn thảo dược rộng lớn.
Chuyển Đông y sang Tây y là chặng đường gian nan
Con đường này không hề dễ dàng, cần có sự hỗ trợ của khoa học hiện đại mà kiến thức đầu tiên là phân loại thực vật (Plant taxonomy). Những loại cây mà các "ông lang bà mế" vẫn dùng trong các bài thuốc nay được các nhà khoa học phân tích đánh giá khả năng chống viêm nhiễm trong cây "chùa dù", chất chống ô xy hóa, giảm đau nhức xương trong cây "củ dòm", chất giảm đau trong cây lanh… để có thể khai thác được thế mạnh của chúng tốt nhất và gợi mở cách dùng thuận tiện nhất.
Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, con đường đưa một bài thuốc dân gian trở thành một sản phẩm dưới dạng điều chế hiện đại, như viên nang hoặc viên nén, cao lỏng… hoặc ở cấp độ thấp hơn như chiết xuất bài thuốc tắm người Dao trở thành chai thuốc sử dụng cho bà mẹ và trẻ em trong các bệnh viện phụ sản, trải qua rất nhiều bước gian nan, ngay cả khi các nhà khoa học đã có trong tay rất nhiều công cụ tiên tiến. Rất khó chuyển hóa từ bài thuốc cổ truyền sang loại thuốc được bào chế như dạng Tây y, khâu khó nhất là chuẩn hóa để cho nó đạt được độ ổn định, độ rã, độ chảy, đảm bảo được khả năng giải phóng của thuốc.
Đơn cử, với dây thìa canh lá to (Gymnema latifolium), từ lúc phát hiện Acid gymnemic – một hoạt chất có tác dụng hạ đường huyết, ổn định đường huyết và ngăn ngừa biến chứng cũng như các hoạt chất Gymnema Sylvester giúp giảm mỡ thừa, Hentriacontane giảm biến chứng tiểu đường… cho tới ngày sản xuất thành viên nén thực phẩm chức năng, được cấp phép, anh cũng mất cả chục năm.
Sau khi nghiên cứu xong giai đoạn một để chuyển giao công nghệ cho cộng đồng sẽ có 2 tình huống xảy ra: tình huống thứ nhất là đã có hệ thống sẵn – là các công ty hoặc HTX đã sản xuất, và họ chỉ gặp vướng ở một vài vấn đề công nghệ, ví dụ như giống kém, cần chuyển giao giống mới, hoặc chiết xuất, chế biến, bảo quản gặp vấn đề cần đưa công nghệ vào xử lý. Vấn đề đặt ra lúc này chỉ là người dân có hấp thụ được công nghệ đó không, thực sự công nghệ của nhà khoa học, doanh nghiệp đưa ra có hiệu quả không, phù hợp và giải quyết được vấn đề mấu chốt mà người dân đang cần không.
Nhưng tình huống thứ hai là ở các cộng đồng chưa hề có công ty hay HTX nào cả. Khi đó "gói chuyển giao" không đơn thuần chỉ là công nghệ mà phải giúp xây dựng cộng đồng, hình thành ra các hợp tác xã, công ty ở địa phương để người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, và đơn vị đó sẽ trở thành hạt nhân. Như vậy, không đơn giản chỉ là có công nghệ là được, mà cần tạo ra một chuỗi giá trị.
Câu hỏi đặt ra là nếu Việt Nam không có hướng đi cụ thể, không quyết tâm phát triển thị trường thì vườn thảo dược Việt Nam liệu 20 – 30 năm nữa có hình thành hay mãi là tiềm năng? Đây là con đường mà ta có lợi thế, có đa dạng văn hóa, đa dạng sinh học, cảnh quan tuyệt đẹp. Tại sao ta lại không dùng thế mạnh này mà cứ đi phụ thuộc vào tân dược.Và dầu có phụ thuộc vào tân dược (cũng với nguồn nhập khẩu áp đảo), thì 60% số thuốc tân dược hiện nay có xuất phát hoặc dựa trên các hợp chất tự nhiên.
Chỉ khi phát triển được các trục dược liệu - du lịch và "xuất khẩu dược liệu tại chỗ" mới tạo ra nền móng cho dược liệu cho y học cổ truyền, tạo dược liệu để xuất khẩu quốc tế. Nền kinh tế dược liệu sẽ không quá xa xôi nếu có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp.
Theo suckhoedoisong.vn