Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 850 loài cây thuốc, trong đó có 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Đặc biệt, Lào Cai có nhiều loài quý, hiếm có giá trị y dược rất cao như sâm Hoàng Liên, bình vôi, tam thất, chè dây, giảo cổ lam, thất diệp nhất chi hoa, đỗ trọng… là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược.

Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt hơn 3.550 ha, trong đó có 210 ha với 13 loại cây dược liệu trồng được Bộ Y tế công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu đồng/ha.

Việc sơ chế, chế biến bước đầu được chú trọng đầu tư với 1 cơ sở chế biến theo quy mô công nghiệp và nhiều cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ.

Với tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu, Lào Cai được quy hoạch là 1 trong 8 vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước. Hiện Lào Cai phát triển dược liệu với 4 nhóm chính: Nhóm dược liệu trồng làm thuốc; nhóm thảo dược dùng chăm sóc sức khỏe gắn với dịch vụ du lịch; dược liệu thu hái tự nhiên; cây quế và các sản phẩm từ quế.

Lào Cai: Có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất cây dược liệu giúp xóa đói, giảm nghèo - Ảnh 1.
 

Vùng trồng cây dược liệu cát cánh tại huyện Bắc Hà.

Đơn cử, tại thị xã Sa Pa hiện có 210 ha cây dược liệu, gồm atiso, sa nhân tím, đương quy, tía tô, chè dây và các loại cây dùng chế biến sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ. Đến nay, với hơn 100 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ nguồn dược liệu tại địa phương, giúp mang lại doanh thu hơn 30 tỷ đồng/năm.

Hơn 10 năm nay, cây atiso được nông dân thị xã Sa Pa trồng theo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Lá được bán với giá 2.300 đồng/kg cho doanh nghiệp liên kết để nấu cao; phần củ, hoa và thân bán ra thị trường vào cuối vụ thu hoạch. Trồng atiso đã giúp gia đình ông Mã A Cau, tổ 2, phường Hàm Rồng thu khoảng 120 triệu đồng/năm, trong khi vẫn với diện tích đất đó trước đây trồng ngô, thu nhập chỉ hơn chục triệu đồng.

Lào Cai: Có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất cây dược liệu giúp xóa đói, giảm nghèo - Ảnh 2.

Trồng cây dược liệu giúp người dân có thu nhập ổn định.

Giai đoạn 2014 - 2020, huyện Bắc Hà phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trồng thử nghiệm 22 loại cây dược liệu. Qua thực hiện cho thấy, địa bàn huyện phù hợp với 8 loại cây dược liệu, gồm actiso, đương quy Nhật Bản, cát cánh, đan sâm, bạch chỉ, bạch truật, đẳng sâm. Huyện duy trì hơn 163 ha cây dược liệu, giá trị bình quân đạt trên 160 triệu đồng/ha/năm…

Mới đây, tại Hội thảo thúc đẩy liên kết phát triển cây dược liệu bền vững gắn với sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai năm 2023, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Để phát triển cây dược liệu bền vững, cần chủ động trong khâu sản xuất và cung ứng giống cây dược liệu; thường xuyên tổ chức khảo nghiệm, lựa chọn các giống dược liệu phù hợp, bổ sung chủng loại cây hằng năm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025, diện tích dược liệu đạt 4.000 ha, sản lượng đạt 25.000 tấn, giá trị đạt 700 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 5.000 ha, sản lượng đạt 28.000 tấn, giá trị trên 900 tỷ đồng. Phát triển tối thiểu 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu. Xây dựng thương hiệu 2 - 3 sản phẩm dược liệu và có thêm 3 - 5 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Hình thành 5 nhóm sản phẩm dược liệu gắn với du lịch; hình thành ít nhất 5 điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.

Để phát triển cây dược liệu bền vững, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Cần chủ động trong khâu sản xuất và cung ứng giống cây dược liệu; thường xuyên tổ chức khảo nghiệm, lựa chọn các giống dược liệu phù hợp, bổ sung chủng loại cây hằng năm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tập trung nguồn lực nhằm xây dựng ổn định vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP và phát triển du lịch sinh thái; kêu gọi, thu hút nhà đầu tư chiến lược để xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến sâu dược liệu tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung như Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa… nhằm tạo ra các sản phẩm chế biến sâu và các sản phẩm OCOP phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.

Theo suckhoedoisong.vn