Bệnh thử thấp có những biểu hiện như phát sốt, mặt đỏ, hơi sợ lạnh, bồn chồn, đầu choáng váng, bụng trướng đầy, chán ăn, tiết tả, tiểu tiện ít, người và chân tay nặng đau, họng khô miệng khát nhưng không uống nước nhiều...
1.Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh
"Thử tà" tức 6 tác nhân gây bệnh từ bên ngoài (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) là loại tà khí có tính theo mùa, chỉ phát sinh trong những tháng hè.
Trường hợp nhẹ, dẫn tới "thương thử" (cảm nắng) với biểu hiện phát sốt, đau đầu, mắt đỏ, da nóng, vã mồ hôi, khát nước, tức ngực, bồn chồn, hơi thở ngắn, người mệt nhọc, nước tiểu sẻn đỏ...
Trường hợp nặng, dẫn tới "trúng thử" (say nắng), với biểu hiện như da nóng bỏng hoặc ẩm lạnh, mặt trắng nhợt, thở khò khè như suyễn thở, mạch đập nhanh, bồn chồn không yên hoặc đờ đẫn; thậm chí bỗng nhiên ngã lăn, mê man bất tỉnh, răng nghiến chặt.
"Thử thấp" gây thương tổn âm dịch cơ thể. Mồ hôi tiết xuất nhiều dễ gây tổn thương đối với "khí" (chức năng sinh lý). Từ đó hình thành bệnh lý, Đông y gọi là "khí âm lưỡng hư" ("khí" và "âm" đều bị hư tổn). Ngoài dẫn đến bệnh lý "khí âm lưỡng hư", bệnh thử thấp còn gây nên những tổn hại đối với "dương khí", khiến cho chức năng tiêu hóa bị rối loạn, với biểu hiện như đầy bụng, đau bụng, ăn uống khó tiêu, viêm ruột, kiết lỵ...
Như vậy, "thử thấp" gây bệnh, vừa có thể dẫn đến "thương thử"(cảm nắng), "trúng thử"(say nắng) đồng thời lại gây ra những tổn thương đối với chức năng tiêu hóa của tỳ vị.
2. Cháo thuốc điều trị bệnh thử thấp
2.1 Cháo quả la hán
- Thành phần: Quả la hán 50g, thịt lợn nạc 50g, gạo tẻ 100g, dầu ăn, gia vị vừa đủ.
- Cách dùng: Quả la hán cắt thành miếng mỏng, gạo tẻ đãi sạch, thịt lợn băm nhỏ, tất cả cho vào nồi ninh với 1000 ml nước thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
- Công dụng:Thanh nhiệt giải thử, giải khát tiêu đờm, lợi hầu nhuận tràng.
2.2 Cháo đậu ván trắng
- Thành phần: Đậu ván trắng (sao vàng) 100g, củ mài 100g, gạo tẻ 100g.
- Cách dùng: Các thứ rửa/vo sạch, cùng cho vào nồi nấu cháo ăn.
- Công dụng: Kiện tỳ hóa thấp (kiện toàn chức năng tiêu hóa, hóa giải thấp tà), điều hòa tỳ vị, cầm tiêu chảy); món cháo này có tác dụng phòng trị bệnh thử thấp rất tốt, nhất là trường hợp bị cảm nắng nôn mửa, bụng đau, miệng nôn, tiêu chảy, không muốn ăn.
2.3 Cháo mướp đắng
- Thành phần: Mướp đắng 100g, đường phèn 50g, gạo tẻ 100g, gia vị vừa đủ.
- Cách dùng: Mướp đắng bỏ ruột, rửa sạch, thái thành miếng nhỏ rồi đem ninh với gạo tẻ thành cháo, khi được cho thêm đường phèn và chừng 3g muối tinh, chia ăn vài lần trong ngày.
- Công dụng: Thanh nhiệt giải thử, tiêu độc và làm sáng mắt, dùng thích hợp cho chứng phiền khát, đái đường, cảm nắng phát sốt, kiết lỵ, đau mắt đỏ, mụn nhọt, rôm sẩy...
2.4 Cháo thạch hộc
- Thành phần: Thạch hộc tươi 30g, gạo lức 50g, đường phèn vừa đủ.
- Cách dùng: Thạch hộc rửa sạch, sắc lọc bỏ bã, lấy nước khoảng 100 ml nước thuốc, đổ vào nồi cùng với gạo lức, đường phèn, thêm nước nấu cháo.
- Công dụng: Dưỡng vị, sinh tân, giải nhiệt. Dùng món cháo này cho người miệng khát tâm phiền, hư nhiệt không lui kèm thêm chứng nôn khan.
2.5 Cháo ý dĩ
- Thành phần: Ý dĩ nhân (hạt bo bo) 100g, đường phèn 100g.
- Cách dùng: Ý dĩ đãi sạch, ngâm nước trong 30 phút, vớt ra để ráo nước. Nấu cháo ăn, chia ăn vài lần trong ngày.
- Công dụng: Thanh nhiệt trừ thấp, thanh tâm nhuận phổi, giải khát trừ đàm, bồi bổ sức khoẻ, dùng đặc biệt tốt cho những người vốn mắc các chứng bệnh hô hấp mạn tính trong những ngày hè nóng bức.
2.6 Cháo nước mía
- Thành phần: Gạo tẻ 100g, nước mía 200g.
- Cách dùng: Gạo đãi sạch, cho vào nồi ninh thành cháo loãng, sau đó đổ nước mía vào, đun sôi vài dạo là được, chia ăn vài ba lần trong ngày.
- Công dụng: Thanh nhiệt trừ phiền, giải khát nhuận táo, bồi bổ cơ thể, dùng rất tốt cho những người mắc các chứng bệnh hô hấp mạn tính, táo bón, viêm lưỡi miệng, mụn nhọt, phiền nhiệt môi khô miệng khát...
2.7 Cháo kim ngân
- Thành phần: Kim ngân hoa 6g, bạch cúc hoa 6g, gạo tẻ 150g.
- Cách dùng: 2 thứ sấy khô, tán mịn, trộn đều; Gạo tẻ nấu cháo, cháo chín, trộn bột thuốc vào ăn.
- Công dụng: Trừ cảm mạo, giảm sốt, phòng trị cảm nắng và say nắng.
2.8 Cháo đạm trúc diệp
- Thành phần: Đạm trúc diệp 100g, đậu đỏ 50g, gạo nếp 100g.
- Cách dùng: Đạm trúc diệp rửa sạch, cắt nhỏ, đậu đỏ và gạo nếp đãi sạch, ngâm trương trong vài giờ, sau đó cho vào nồi nấu với 1000 ml nước, khi hạt gạo sắp nở cho đạm trúc diệp vào nấu nhừ là được, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
- Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, lương huyết, dùng rất tốt trong những ngày hè nóng bức cho những người bị viêm nhiễm đường tiết niệu, sỏi thận, kiết lỵ ra máu, viêm gan, cao huyết áp, tiểu ra máu, mụn nhọt, lở ngứa, phù thũng do thận, xơ gan...
2.9 Cháo mã thầy
- Thành phần: Thịt lợn nạc 50g, mã thầy 50g, gạo tẻ 100g, dầu ăn và gia vị vừa đủ.
- Cách dùng: Thịt lợn xay hoặc băm nhỏ, mã thầy bỏ vỏ rửa sạch. Đem gạo vo sạch rồi cho vào nồi đun với 1000 ml nước, khi hạt gạo nở tung ra như hoa thì cho thịt lợn và mã thầy vào. Khi được cho thêm dầu ăn và gia vị vừa đủ, chia ăn vài lần trong ngày.
- Công dụng: Thanh nhiệt, mát huyết, kiện tỳ trừ thấp, lợi thủy. Dùng món cháo này để phòng bệnh thử thấp.
2.10 Cháo đậu xanh
- Thành phần: Đậu xanh 50g, đậu đỏ 50g, gạo tẻ 100g.
- Cách dùng: Cùng vo sạch, nấu cháo ăn.
- Công dụng: Trừ thử thấp, chống nóng, nâng cao khả năng thích ứng và sức đề kháng của cơ thể trong những tháng hè.
2.11 Cháo bí ngô
- Thành phần: Bí ngô già 100g, gạo tẻ 100g, đậu xanh 100g.
- Cách dùng: Bí ngô gọt vỏ, bỏ lõi, thái thành miếng vuông cỡ 2cm. Đổ nửa lít nước vào nồi, đun sôi, cho đậu xanh gạo tẻ vào nấu cháo, sau cho bí ngô vào, đun nhỏ lửa khoảng 10 phút là được.
- Công dụng: Thanh nhiệt giải thử, ích vị sinh tân, phòng ngừa cảm nắng.
2.12 Cháo lá sen
- Thành phần: Lá sen tươi 1 cái, gạo tẻ 100g.
- Cách dùng: Cho gạo tẻ đã vo sạch và lá sen vào ninh nhừ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.
- Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, tiêu thử, bồi bổ sức khoẻ, phòng chống béo phì, dùng rất tốt trong những ngày nóng bức, cơ thể mệt mỏi, đầu nặng, mắt hoa, trong ngực chộn rộn khó chịu...
Theo suckhoedoisong.vn