Tiềm năng phát triển vùng trồng dược liệu

Theo thống kê, Lào Cai hiện có tổng diện tích cây dược liệu chính khoảng hơn 3.550 ha, trong đó có 210 ha với 13 loại cây dược liệu trồng được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, địa bàn có nhiều loài dược liệu quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược, như: Sâm Hoàng Liên, bình vôi, tam thất hoang, chè dây, giảo cổ lam, thất diệp nhất chi hoa, đỗ trọng…

Dược liệu gắn với chế biến sâu để nâng cao giá trị - Ảnh 1.

Trồng Tam thất giúp nâng cao thu nhập cho nông dân. Ảnh: Dương Tú

Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Lào Cai nông thôn đã đánh giá thực trạng phát triển ngành hàng dược liệu tại Lào Cai. Hiện Lào Cai phát triển dược liệu với 4 nhóm chính gồm: Nhóm dược liệu trồng làm thuốc; nhóm thảo dược dùng chăm sóc sức khỏe gắn với dịch vụ du lịch; dược liệu thu hái tự nhiên; cây quế và các sản phẩm từ quế.

Với nhiều lợi thế phát triển sản xuất cây dược liệu, tỉnh Lào Cai là một trong tám vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước. Đánh giá tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của Lào Cai là rất lớn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đăt mục tiêu đến năm 2030, cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp Lào Cai.

Đồng thời, hình thành chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO)” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Phát triển dược liệu gắn với chế biến sâu

Tuy có nhiều lợi thế để phát triển vùng trồng dược liệu, nhưn việc hệ thống cơ sở hạ tầng của các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu khiến giá trị từ việc trồng cây dược liệu mạng lại hiện còn ở mức thấp.

Thực trạng cho thấy, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển dược liệu trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất với quy mô lớn, tập trung; khâu sản xuất giống còn yếu, chưa ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống cây dược liệu, sản lượng cây giống chưa đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất; sản xuất một số loại dược liệu chính còn nhỏ lẻ, manh mún, bị động.

Dược liệu gắn với chế biến sâu để nâng cao giá trị - Ảnh 2.

Dược liệu gắn với chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm, đầu ra phù hợp thị trường. Ảnh: Dương Tú

Do đó, đầu ra sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua nên không ổn định; chưa tập trung sản xuất các loại cây dược liệu đầu vị để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; chưa có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư cơ sở chế biến sâu; liên kết trong sản xuất cây dược liệu thực hiện chưa tốt, thiếu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm có năng lực đủ lớn để hình thành liên kết bền vững…

Nhận thức được thực trạng trên, hiệ tỉnh Lào Cai tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến bảo quản, nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn GMP tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung. Trong đó, phát triển thêm ít nhất 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu. Xây dựng thương hiệu 2-3 sản phẩm dược liệu và có thêm 3-5 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”...

Theo ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, tỉnh Lào Cai ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho sản xuất thuốc để phát triển công nghiệp dược. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc. Phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong tỉnh, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao...

Qua đó, tạo ra các sản phẩm chế biến sâu như thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, trà túi lọc, cao đặc, cao lỏng, cao khô… phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu. 

Theo suckhoedoisong.vn