Cây xạ đen trong điều trị ung thư

Cây xạ đen hay còn gọi là cây ung thư (theo dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình), cây quả nâu, bách giải, bạch vạn hoa, thanh giang đằng, dây gối,... 

Xạ đen là một loài thực vật dây leo, thân thảo, thường có chiều dài khoảng 3-10 m. Tùy vào từng vùng, người dân sinh sống tại đó sẽ có cách gọi cây xạ đen khác nhau như bách giải, đồng triều, bạch vạn hoa, cây dây gối, hay quả nâu hoặc cây ung thư (dân tộc Mường, Việt Nam) thuộc họ celastraceae.

Tiềm năng phát triển 'cây ung thư' vùng núi tây Bắc - Ảnh 1.

Quả xạ đen hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan như viêm gan, xơ gan, men gan cao, hỗ trợ điều trị ung thư, giúp an thần, cải thiện giấc ngủ và hỗ trợ những bệnh nhân bị suy nhược thần kinh

Loại cây này xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới như Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây, Vân Nam – Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và đặc biệt ở Việt Nam tập trung tại tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa và Ninh Bình.

Theo công trình nghiên cứu khoa học của giáo sư Lê Thế Trung (Viện Quân Y), các hoạt chất quý trong cây xạ đen có tác dụng ức chế tế bào ung thư, đặc biệt là các khối u ác tính trong ung thư gan và ung thư phổi. 

Ngoài ra xạ đen còn có tác dụng làm mát gan, hỗ trợ điều trị được nhiều căn bệnh khác như: thanh nhiệt, thanh lọc độc tố trong cơ thể, chữa khỏi dị ứng, giảm mỡ máu, cân bằng huyết áp, kháng viêm, cầm máu vết thương.

Thực tế, bên cạnh các bộ phận như thân hay lá thì quả xạ đen cũng có nhiều ứng dụng trong y học và trong cuộc sống. Quả xạ đen có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan như viêm gan, xơ gan, men gan cao, hỗ trợ điều trị ung thư, giúp an thần, cải thiện giấc ngủ và hỗ trợ những bệnh nhân bị suy nhược thần kinh. Nó còn giúp thanh nhiệt, giải độc và hỗ trợ thanh lọc cơ thể. Hiện nay ở nhiều địa phương, người dân thường sử dụng quả xạ đen ngâm rượu.

Nhiều tiềm năng phát triển

Dược tính cao cùng công dụng vô cùng hữu ích trong điều trị y khoa khiến cây xạ đen được người dân ngày càng tin tưởng và sử dụng. Trước đây, nguồn xạ đen vô cùng khan hiếm, nên việc tìm và khai thác chúng rất khó khăn do phải vào núi sâu và cao mới thấy. Nhu cầu thị trường tăng cao trong khi nguồn cung hạn hẹp, nắm bắt được điều này, rất nhiều tỉnh thành đã tạo điều kiện cho người dân phát triển canh tác cây xạ đen.

Trước đây, suốt một thời gian dài tại các tỉnh vùng núi bà con ưu tiên canh tác ngô, lúa, khoai sắn, nhằm xóa đói giảm nghèo. Chính vì vậy cây dược liệu quý như xạ đen đứng trước nguy cơ mai một. 

Tiềm năng phát triển 'cây ung thư' vùng núi tây Bắc - Ảnh 2.

Nhiều tỉnh, thành hiện đang phát triển vùng trồng cây dược liệu xạ đen quy mô lớn.

Tại xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, chính quyền xã đã định hướng, tuyên truyền người dân tận dụng diện tích trồng cây xạ đen. Từ năm 2021 đến nay, năng suất đạt 900 kg tươi/sào, tương đương với 180 kg khô/sào với giá thu mua từ 18 đến 22 nghìn đồng/kg khô, đem lại thu nhập từ 20 triệu đồng đến gần 30 triệu đồng/hộ/năm, sau khi trừ chi phí.

Tại tỉnh Hòa Bình, năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 về việc thực hiện chiến lược phát triển cây dược liệu của tỉnh trong đó có cây xạ đen. Ngoài việc mở rộng diện tích đát trồng cây hàng năm để xây dựng vùng chuyên canh, Hòa Bình còn phát triển thêm chính sách hỗ trợ sản xuất, sơ chế và kinh doanh cây dược liệu.

Được chính quyền tại hỗ trợ mô hình sản xuất và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, xây dựng thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cây dược liệu, đồng thời mở rộng đầu ra. Người dân tại các vùng trồng dược liệu, đặc biệt là cây xạ đen càng có thêm động lực canh tác và bảo tồn nguồn dược liệu quý. Ghi nhận năng suất trên 1ha cây xạ đen tại Lương Sơn, Hòa Bình đạt 15 tới 20 tấn trên 1ha, tương đương việc đem lại thu nhập từ 230 tới 500 triệu đồng/năm.

Việc phát triển mô hình này khiến tỉnh, thành trong cả nước đang nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, trồng được cây xạ đen cho hoạt tính dược liệu cao, năng suất ổn định để phát triển vùng trồng cây dược liệu xạ đen quy mô lớn, cung ứng ổn định dược liệu cho các công ty dược phẩm; chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. 

Theo suckhoedoisong.vn