Ăn rau diếp cá : Rau diếp cá chứa hàm lượng chất xơ thực vật cao, có lợi cho hệ tiêu hóa, có thể trị bệnh táo bón. Đây cũng là thực phẩm tốt cho người bị thiếu máu. Rau diếp cá còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, nên thích hợp sử dụng trong ngày hè.
Rau mồng tơi: Có 2 loại rau mồng tơi xanh và tía. Loại tía tốt hơn, có vị ngọt, nhạt, nhớt, tính mát. Với dược năng là lưu thông huyết mạch, lợi tiểu, nhuận trường. Công hiệu giúp mát máu, điều hòa khí huyết, thanh lọc dạ dày và ruột, trị táo bón, chống tích tụ, trị đau mắt, sưng đau vú, huyết vận và huyết tụ. Được dùng để luộc hay nấu canh ăn rất ngon. Theo các nghiên cứu cho thấy, trong mồng tơi chứa chất nhầy pectin rất quý để phòng chữa nhiều bệnh, có tác dụng nhuận tràng, thải chất béo chống béo phì, thích hợp cho người có mỡ và đường cao trong máu. Tác dụng trừ thấp nhiệt, làm cho người lao động ngoài trời nắng nóng duy trì được sức khỏe, phòng chống bệnh tật như mỏi mệt háo khát, bứt rứt.
Rau mồng tơi lợi tiểu, nhuận trường.
Bí đao: Vị ngọt, tính mát có công dụng thanh nhiệt, tiêu thử, sinh tân, chỉ khát, là một loại quả làm rau và làm đồ giải khát rất được ưa chuộng trong mùa hè. Dân gian thường dùng bí đao để nấu các món canh thanh nhiệt, giải nhiệt hoặc rửa sạch rồi ép lấy nước uống. Thậm chí, vỏ bí đao cũng có tác dụng giải nhiệt, nhiều phương thuốc dân gian đã dùng vỏ bí đao cùng với vỏ dưa hấu sắc lấy nước uống thay trà.
Bầu: Vị ngọt, tính bình, có công dụng thanh nhiệt, lợi niệu, trừ thử, giải khát, là thực phẩm rất thích hợp cho mùa hè. Canh bầu nấu với tôm là một món ăn rất dân dã, nhưng lại có công dụng giải khát và bồi bổ rất tốt.
Rau dền: còn gọi là hiện thái. Có 2 loại dền xanh và dền tía, có vị ngọt, thơm, tính mát. Với dược năng thanh nhiệt, lọc máu, lợi tiểu, an thần. Trị nhức đầu, hạ nhiệt, giúp tiêu hóa, lưu thông khí huyết, trừ nhọt lở. Đặc biệt trị sung huyết, ứ huyết và tăng huyết áp. Được dùng luộc hay nấu canh ăn hằng ngày.
Rau dền rất mát tốt cho sức khỏe.
Khoai lang: còn gọi cam thự, hồng thự, có vị ngọt, thơm, không độc, tính mát. Với dược năng giúp tiêu hóa, nhuận trường, giải nhiệt, củ sát khuẩn. Có công năng như dây khoai lang, vì có 1 hoạt chất giống như insulin nên có thể trị đái đường. Lá khoai lang luộc ăn chữa táo bón. Củ khoai lang trị các chứng lỵ, tiêu chảy, táo bón, trĩ lậu, thương hàn.
Cách dùng trong ăn là lá khoai lang luộc hay nấu canh ăn. Dây khoai lang nấu nước uống. Củ luộc hay nướng ăn, có thể chắt lấy nước uống sống.
Rau má: còn gọi liên tiền thảo, có vị thơm, đắng, không độc, tính mát. Với dược năng cầm máu, giải nhiệt, sát khuẩn, lợi tiểu. Trị sốt rét nóng nhiều, máu cam, thổ huyết, khí hư, huyết bạch, tả lỵ. Giúp sáng mắt, trị các chứng nhọt độc, sang lở, hốt hoảng, gan nhiệt. Trị phụ nữ đau bụng máu. Bổ gan, điều hòa tạng phủ. Có thể giã sống, pha đường uống mỗi lần 40 - 50g hay luộc ăn hoặc phơi khô nấu nước uống, mỗi lần 20g.
Mướp đắng (khổ qua): Vị đắng, tính hàn, có tác dụng sáng mắt, trừ khát, giải nhiệt, bổ khí, hoạt huyết. Mướp đắng dùng làm thức ăn mùa hè rất phù hợp, thường xào với thịt bò, nấu canh xương, nhồi thịt hấp, có khi đun nước tắm cho trẻ lặn rôm, sắc nước uống (thái nhỏ phơi khô dùng dần).
Rau muống:Mùa hè mưa nhiều là khoảng thời gian lí tưởng cho rau muống phát triển hơn các khoảng thời gian khác trong năm. Những người nội trợ nên tăng cường ăn rau muống lúc này vừa có tác dụng giải nhiệt vừa không lo sợ rau nhiễm các chất độc hại do phun thuốc kích thích.
Rau muống có nhiều chất xơ, vitamin C và tốt cho hệ miễn dịch. Nước rau muống có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt.
Rau ngót: Theo đông y, rau ngót là một loại thảo dược có đặc tính mát, giải nhiệt và đặc biệt là rất lành tính. Về mặt ẩm thực, rau ngót cũng là một loại rau rất dễ ăn và kết hợp cùng các món khác. Nguồn vitamin C trong lá rau ngót thậm chí cao hơn nhiều so với cam và ổi. Trong rau ngót có nhiều tác dụng chữa bệnh như thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, bổ huyết, nhuận tràng…
Theo Sức khoẻ đời sống