1. Đặc điểm của cây mướp đắng
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, mướp đắng còn gọi là khổ qua, cẩm lệ chi, lại bồ đào, hồng cô nương, lương qua, mướp mủ, chua hao (Mường – Thanh Hóa).
Tên khoa học Momordica charantia L. (Momordica balsamina Desc., Cucumis africanus Lindl.). Thuộc họ Bí Curcubitaceae.
Mướp đắng được trồng ở khắp các tỉnh trong nước ta. Thường người ta trồng để lấy quả nấu ăn cho mát (giải nhiệt). Mùa quả ở miền Bắc các tháng 5-6-7.
Bộ phận dùng: Quả tươi, hạt phơi khô và lá làm thuốc.
Quả có chứa một chất glucozit đắng gọi là momocdixin. Ngoài ra, còn có vitamin B1, C, ađenin, betain, protein (0,6%).
Hạt có chất dầu và một chất đắng chưa xác định.
2. Công dụng và liều dùng
Ở nước ta, ngoài công dụng làm thức ăn (nấu với thịt làm canh, xào trứng, ăn sống với ruốc…), mướp đắng còn được dùng làm một vị thuốc mát chữa ho, tắm cho trẻ trừ rôm sẩy, chữa sốt. Theo sách cổ đông y mướp đắng có vị đắng (khổ), tính hàn, không có độc.
Ngày dùng chừng 2 quả bỏ hết hạt, nấu ăn.
Hạt dùng với liều 3g hạt khô, dưới dạng thuốc sắc. Tại nhiều nước khác cũng dùng mướp đắng làm thuốc chữa bệnh đái tháo đường; nước ép của lá dùng làm thuốc gây nôn, thuốc tẩy trong những bệnh về đường mật, nó có tác dụng chữa giun...
Mướp đắng chứa các thành phần như charatin và momorcidin giúp chống tăng đường huyết. Các hợp chất này giúp giảm đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.
Mướp đắng có chứa chất xơ hữu ích, chất này có tác dụng làm trung hòa chất béo, giảm hòa tan chất béo trong lòng ruột nên làm giảm hấp thu cholesterol vào trong máu.
Mặt khác, chất xơ trong mướp đắng kích thích nhu động ruột vận động mạnh. Vì thế, tốc độ hấp thu chất béo giảm xuống.
Mướp đắng còn chứa chất pectin, một chất có khả năng keo làm kết dính các phân tử cholesterol, vì thế càng khó hấp thu. Mướp đắng được cho là hữu ích với người béo.
3. Đơn thuốc dùng mướp đắng trong nhân dân
3.1 Nước tắm cho trẻ em nhiều rôm sẩy
Mướp đắp 2-3 quả nấu với nước để tắm cho trẻ em. Ngày 1 lần.
3.2 Chữa ho
Mướp đắng 1-2 quả, nấu với nước uống làm 1 hay 2 lần trong ngày.
Ngoài ra, có thể sử dụng mướp đắng dưới dạng món ăn – bài thuốc như:
3.3 Trà ướp mướp đắng thanh nhiệt
Sử dụng quả mướp đắng cắt phần trên, bỏ vỏ rửa sạch, cắt thành từng lát mỏng, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng thì hãm trong bình nước sôi đậy kín khoảng 30 phút. Trà có tác dụng thanh nhiệt, giải khát rất tốt.
3.4 Nước sắc mướp đắng
Mướp đắng tươi 1 - 2 quả rửa sạch, bổ làm đôi, nấu với nước, đun khoảng 10 phút, để nguội dùng thay nước, có tác dụng thanh nhiệt, sáng mắt tốt cho người bệnh về gan, bệnh mắt và tăng huyết áp.
3.5 Nước ép mướp đắng
Mướp đắng rửa sạch, bỏ ruột, ướp với đường cát trắng khoảng một giờ để đường thấm, sau đó cho vào máy ép lấy nước uống.
Lưu ý: Những người huyết áp thấp, có vấn đề về hệ tiêu hóa, phụ nữ mang thai và cho con bú, người mới phẫu thuật không nên dùng mướp đắng.
Theo suckhoedoisong.vn