Sắn dây còn gọi là cát căn, cam cát căn, phấn cát, củ sắn dây.
Tên khoa học Pueraria thomsoni Benth.
Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
Cát căn (Radix Puerariae) là rễ phơi hay sấy khô của cây sắn dây. Cát là sắn, căn là rễ, vị thuốc là rễ một loại sắn.
Sắn dây là thức uống được nhân dân ta rất ưa chuộng trong mùa nóng do tính giải nhiệt, tiêu khát, làm mát cơ thể của nó.
Sắn dây là một loại dây leo, có thể dài tới 10m, rễ phát triển to lên thành củ, nhiều bột.
Từ cuối tháng 10 đến tháng 3-4 năm sau, người ta đào lấy rễ, rửa sạch đất cát, bóc bỏ lớp vỏ giấy bên ngoài (cho dễ khô), cắt thành từng khúc dài 10-15cm. Nếu đường kính quá to thì bổ dọc thành 2 nửa, có khi thái thành từng miếng dày 0,50-1cm. Xông diêm sinh, sau đó phơi hoặc sấy khô.
Nếu muốn chế bột sắn dây thì giã nhỏ, gạn lấy tinh bột, lọc đi lọc lại nhiều lần, phơi khô.
Trong sắn dây, người ta thấy có tinh bột với tỉ lệ 12-15% (tính trên rễ tươi). Viện y học Bắc Kinh, Trung Quốc có tìm thấy trong cát căn có chất saponozit. Trong sắn dây, còn thấy puerarin là một flavonozit và trong lá sắn dây có asparagine, adenine và acid amin.
1. Công dụng và liều dùng của sắn dây
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất lợi, sắn dây (cát căn) vị ngọt, cay, tính bình. Hoa sắn dây vị ngọt tính bình; vào hai kinh tỳ và vị; có tác dụng giải cơ, thoái nhiệt, sinh tân chỉ khát.
Hoa sắn dây giải độc, dùng chữa biểu chứng miệng khát, đầu nhức, tiết tả, lỵ ra máu, đậu chẩn sơ khởi.
Cát căn là một vị thuốc chữa sốt, làm cho ra mồ hôi, chữa bệnh sốt khát nước, nhức đầu, lỵ ra máu.
Ngày dùng 8-20g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với những vị thuốc khác.
Bột sắn dây (tinh bột) được dùng để pha nước uống cho mát, giảm nhiệt hoặc dùng trong việc chế thuốc viên vì nó có tính chất giúp cho viên dính đồng thời lại dễ tẽ ra để thuốc chóng tác dụng.
Bột sắn dây giải nhiệt ngày hè.
2. Đơn thuốc có sắn dây
- Chữa cảm mạo sốt:
Cát căn thang (Đơn thuốc của Trương Trọng Cảnh): Cát căn 8g, ma hoàng 5g, quế chi 4g, đại táo 5g, thược dược 4g, sinh khương 5g, cam thảo 4g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
- Bột rắc những nơi mồ hôi ẩm ướt:
Bột sắn dây 5g, thiên hoa phấn 5g, hoạt thạch 20g, trộn đều rắc lên những nơi ẩm ngứa.
- Đơn thuốc chữa sốt trẻ em:
Cát căn 20g, thêm 200ml nước, sắc còn 100ml, cho trẻ uống trong ngày.
- Lá sắn dây chữa rắn cắn:
Giã lá sắn dây tươi vắt lấy nước uống, bã đắp lên nơi rắn cắn.
Tại Trung Quốc người ta còn dùng cả hoa cây sắn dây làm thuốc chữa say rượu.
3.Thực đơn chữa bệnh có sắn dây
Theo TS. Nguyễn Đức Quang bác sĩ y học cổ truyền một số thực đơn chữa bệnh có sắn dây:
- Song cát thang: Khổ qua tươi 150 - 200g, cát căn tươi 150 – 200g.
Tất cả rửa sạch thái lát, sắc hoặc hãm uống. Ngày uống 1 lần, đợt 2 - 3 ngày.
Dùng tốt cho người bị cảm mạo phong nhiệt; biểu hiện đau đầu sốt nóng vã mồ hôi, tắc ngạt mũi, đau sưng họng, viêm khí phế quản, ho có đờm vàng, các trường hợp sốt xuất huyết (mới sốt nóng hay đã có xuất huyết dưới da và niêm mạc).
- Cháo sắn dây gạo tẻ: Bột sắn dây 30g, gạo tẻ 50g. Gạo ngâm nước 1 đêm, đem nấu cháo cùng với bột sắn, thêm chút muối hoặc đường để ăn. Món này rất tốt cho người tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường loại II, tiêu chảy mạn tính do tỳ hư. Ngoài ra, còn làm thức ăn giải nhiệt, giải khát mùa hè.
- Nước ép sắn dây ngó sen: Sắn dây tươi, ngó sen liều lượng như nhau, ép nước uống. Dùng tốt cho người bị xuất huyết dưới da, rong kinh rong huyết, chảy máu chân răng, tiểu ra máu, đại tiện ra máu.
- Nước rau má sắn dây: Rau má tươi 20 -30g, bột sắn 10g. Rau má rửa sạch, giã nát, thêm 150 - 200ml nước sôi, để nguội gạn lấy nước; hòa bột sắn, thêm đường vừa uống; làm nước giải khát. Trị sốt nóng, nhức đầu, mẩn ngứa, mụn nhọt rôm sảy, kiết lỵ ra máu.
Lưu ý: Phụ nữ có thai không nên dùng sắn dây.
Theo SKĐS