leftcenterrightdel
 Những người có tiền sử nhiễm Covid-19 có nguy cơ bị rụng tóc cao gấp 4 lần so với những người không bị nhiễm. Ảnh:Goodrx.

Nếu bạn vừa khỏi Covid-19 trong vài tháng gần đây, rụng tóc có thể không phải là trùng hợp. Theo New York Times, một số nghiên cứu ước tính 22% những người nhập viện vì Covid-19 bị rụng tóc tạm thời.

Thật khó đánh giá mức độ phổ biến của tình trạng này ở người mắc các dạng bệnh nhẹ hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rụng tóc cũng nằm trong số hơn 60 triệu chứng Covid-19 kéo dài. Một số triệu chứng phổ biến khác như mất khứu giác, suy giảm nhận thức và rối loạn chức năng tình dục.

Bác sĩ cho biết họ cũng nhận thấy số bệnh nhân tìm kiếm sự giúp đỡ cho tình trạng này đang gia tăng. Tiến sĩ Michele Green, bác sĩ da liễu tại thành phố New York có liên kết với bệnh viện Northwell Health’s Lenox Hill, người chuyên về bệnh rụng tóc, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy trong đời. Tôi thấy nhiều bệnh nhân nam và nữ hơn, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Nó thực sự diễn ra trên diện rộng”.

Tình trạng da đầu thay đổi sau khi bệnh

Rụng tóc đột ngột và tạm thời có tên y học là telogen effluvium. Nó xảy ra khi căng thẳng hoặc bệnh tật khiến rụng nhiều hơn 50 đến 100 sợi tóc, con số phổ biến mà một người rụng mỗi ngày.

Theo các chuyên gia, trong nhiều thế kỷ qua, bệnh nặng, phẫu thuật, mất máu, nhập viện, sinh con và các sự kiện gây cảm xúc cực đoan như mất người thân, có thể gây ra telogen effluvium. Vì thế, tình trạng rụng tóc này không chỉ xảy ra riêng ở Covid-19.

Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra những người có tiền sử nhiễm Covid-19 có nguy cơ bị rụng tóc cao gấp 4 lần so với những người không bị nhiễm.

Hiện vẫn chưa biết chính xác các tác nhân gây căng thẳng về thể chất và cảm xúc thúc đẩy telogen effluvium như thế nào. Tiến sĩ Luis Garza, giáo sư da liễu tại Đại học Y khoa Johns Hopkins, cho biết nhiều bác sĩ da liễu tin rằng hormone căng thẳng cortisol có thể đóng vai trò nào đó. Ngoài ra, cũng có thể có chất hóa học nào khác thông báo cho các nang lông đã đến lúc rụng.

Covid-19 mang đến “tác động kép” cho nhiều người, vừa căng thẳng về tinh thần khi phải sống qua một trận đại dịch vừa căng thẳng về thể chất do chính căn bệnh gây ra này. 

Bình thường, mỗi sợi tóc của chúng ta chuyển qua 3 giai đoạn: giai đoạn phát triển, được gọi là giai đoạn anagen, giai đoạn chuyển tiếp hay giai đoạn catagen, và cuối cùng là giai đoạn nghỉ ngơi, còn được gọi là giai đoạn telogen. Ở giai đoạn cuối, sợi tóc rụng và nang trứng lặp lại toàn bộ quá trình.

Tóc đi qua các giai đoạn khác nhau của chu kỳ vào những thời điểm khác nhau, chỉ 5-10% tóc nên ở giai đoạn telogen tại bất kỳ thời điểm nào.

Tiến sĩ Garza nói: “Telogen effluvium làm ngắn mạch chu kỳ của nhiều sợi tóc. Kết quả là 30-50% tóc kết thúc trong giai đoạn rụng và bạn có thể nhận thấy các mảng rụng ra từ 2 đến 3 tháng sau khi trải qua sự kiện đáng tiếc nào đó.

Rụng tóc có thể kéo dài từ 6 đến 9 tháng nhưng chúng ta có thể cảm thấy như vĩnh viễn. Sau đó, quá trình rụng tóc sẽ chậm lại và tóc mới bắt đầu mọc trở lại.

Cần làm gì trong lúc chờ đợi

Nếu bạn bắt đầu nhận thấy rụng tóc đột ngột hoặc lo lắng về số lượng tóc rụng, bạn nên đi khám bác sĩ sớm.

“Thông thường, bạn sẽ biết mình có bị rụng tóc lâu hay không trước khi ai đó có thể thực sự phát hiện về mặt lâm sàng”, tiến sĩ Green nói. Bằng cách can thiệp sớm, đặc biệt nếu tình trạng rụng tóc của bạn có liên quan đến tình trạng cơ bản, việc điều trị sớm sẽ hiệu quả.

Bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh, yêu cầu xét nghiệm máu và rất có thể sẽ xét nghiệm kéo tóc bằng cách nắm những phần tóc nhỏ từ các vị trí khác nhau trên da đầu và kéo nhẹ nhàng.

Nếu 6 sợi trở lên rơi ra mà không có lực cản, đó là một dấu hiệu xảy ra của sự rụng tóc. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm sinh thiết để kiểm tra nang tóc.

Nếu kết quả xét nghiệm kéo tóc là dương tính và da đầu không có dấu hiệu đỏ hoặc sẹo, do các loại rụng tóc khác gây ra, rất có thể bạn đã mắc chứng telogen effluvium. Hầu hết chuyên gia chăm sóc sức khỏe đều khuyên nên đợi tóc tự mọc lại vì hiện tượng này được cho là tạm thời.

Một số bác sĩ da liễu có thể khuyên thoa dung dịch minoxidil, loại thuốc mọc tóc và thành phần hoạt chất trong Rogaine, hoặc dùng nó ở dạng viên để kích thích tóc mọc lại. Nhưng tiến sĩ Mostaghimi cho biết minoxidil có thể là một con dao hai lưỡi.

leftcenterrightdel
 Hầu hết chuyên gia chăm sóc sức khỏe đều khuyên nên đợi tóc tự mọc lại một cách tự nhiên. Ảnh:Menshealth.
 

Thuốc đôi khi gây rụng tóc khi bạn bắt đầu dùng như một phần của quá trình chuyển chu kỳ tóc của bạn trở lại bình thường. Ông nói thêm khi tóc đã mọc ra nhiều như bạn mong muốn, bạn nên ngừng dùng minoxidil.

Theo tiến sĩ Garza, kiểm soát căng thẳng có thể là giải pháp khác để giảm thiểu tình trạng telogen. Ông nói: “Một điều tôi nói với bệnh nhân đến khám rụng tóc là rất có lợi khi gặp bác sĩ trị liệu, vì chúng tôi biết căng thẳng gây ra rụng tóc và rụng tóc cũng làm tăng thêm căng thẳng”.

Hầu hết bác sĩ da liễu đều đồng ý việc dùng dầu gội và thực phẩm bổ sung ngăn rụng tóc không có khả năng giải quyết được vấn đề.

Tiến sĩ Mostaghimi nói: “Một số thực phẩm chức năng không được kiểm tra nghiêm ngặt hoặc không được quản lý chặt chẽ. Và hầu hết mọi người nhận được nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết để tóc phát triển tốt bằng cách duy trì chế độ ăn uống đa dạng. Tôi không khuyến khích mọi người thử những thứ này vì cuối cùng bạn chỉ nhận được lợi ích rất nhỏ trong khi bỏ ra chi phí khá lớn”.

Đa số mọi người sẽ có một số lần tóc mọc lại ngắn ngay cả trước khi rụng tóc hoàn toàn. Tiến sĩ Green cho biết điều trị có thể giúp tóc bạn mọc trở lại trong vòng 4 đến 6 tháng. Nhưng nếu bạn quyết định chờ đợi, tóc của bạn sẽ mọc lại một cách tự nhiên. Có thể mọc tự nhiên mất 12 tháng hoặc hơn nếu bạn muốn để kiểu dài ngang vai hoặc dài hơn

Các bác sĩ nhận thấy telogen effluvium đôi khi có thể gây ra loại rụng tóc vĩnh viễn khác như chứng hói đầu ở nữ hoặc nam, mặc dù họ không biết tại sao. Tiến sĩ Green nói trong các trường hợp khác, telogen effluvium có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe đang diễn ra như bệnh về tuyến giáp hoặc rối loạn tự miễn dịch.

Tốt nhất bạn nên chăm sóc tóc cẩn thận trong khi chờ tóc mọc lại. Tránh sử dụng các dụng cụ tạo kiểu bằng nhiệt hoặc các kiểu tóc gây căng nhiều như cột tóc đuôi ngựa chặt. Điều này có thể làm suy yếu các nang tóc hơn. Và bạn nên cố gắng lạc quan về quá trình này.

Theo zingnews