leftcenterrightdel
Một công nhân thu gọn xác con sếu chết sau đợt bùng phát cúm gia cầm tại thung lũng Hula, miền bắc Israel. Ảnh:Reuters.  

Theo các bác sĩ thú y và các chuyên gia về dịch bệnh, cúm gia cầm đã lan đến những nơi mới trên toàn cầu. Lần đầu tiên, virus này trở thành dịch bệnh đặc hữu ở một số loài chim hoang dã truyền virus sang gia cầm.

Reuters đã nói chuyện với hơn 20 chuyên gia và nông dân ở 4 châu lục. Những người này cho biết sự phổ biến của virus trong các loài chim hoang dã ghi nhận các đợt bùng phát cúm gia cầm sẽ không có tín hiệu giảm ở các trang trại gia cầm. Điều này cũng làm gia tăng các mối đe dọa đối với nguồn cung cấp thực phẩm của thế giới.

Thiệt hại nặng nề ở nhiều quốc gia

Họ cũng cảnh báo nông dân cần xem căn bệnh này là một nguy cơ nghiêm trọng quanh năm, thay vì chỉ tập trung phòng ngừa bệnh trong mùa xuân - thời điểm di cư của các loài chim hoang dã.

Theo Reuters, sự bùng phát của virus vẫn tiếp tục ở Bắc và Nam Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi, bất chấp cái nóng mùa hè hay những đợt lạnh giá mùa đông.

Trước đó, đầu năm 2022, đợt bùng phát dịch gây ra bởi chủng phụ của H5N1 ở Mỹ đã làm chết hàng triệu con gia cầm. Chủng H5N1 này tương tự về mặt di truyền đối với virus gây bệnh ở châu Âu và châu Á, tức có độc lực cao hơn.

Theo các chuyên gia, các loài chim hoang dã được cho là tác nhân chính trong việc lây lan virus. Trong khi đó, các loài thủy cầm như vịt có thể mang bệnh nhưng không chết. Chúng tiếp tục truyền bệnh cho gia cầm khác qua phân, nước bọt và các môi trường bị ô nhiễm.

leftcenterrightdel
Một người cầm ống nghiệm có dán nhãn cúm gia cầm bên cạnh những quả trứng. Ảnh:Reuters.  

Năm 2022, Rose Acre Farms, nhà sản xuất trứng lớn thứ hai ở Mỹ, đã mất khoảng 1,5 triệu con gà mái tại Guthrie County, Lowa, mặc dù bất kỳ ai vào chuồng đều phải tắm trước để loại bỏ dấu vết của virus.

Marcus Rust, Giám đốc điều hành nhà máy nói trên, cho biết số lượng gia cầm tại trang trại của công ty ở Weld County, Colorado, đã nhiễm bệnh 2 lần trong vòng 6 tháng, giết chết hơn 3 triệu con gà. Rust cho rằng gió đã thổi virus từ những cánh đồng gần nơi đàn ngỗng sinh sống.

Mỹ, Anh, Pháp và Nhật Bản nằm trong số các quốc gia bị thiệt hại kỷ lục về gia cầm trong năm qua. Điều này khiến những nông dân rơi vào bế tắc.

"Cúm gia cầm đang xảy ra ngay cả trong một trang trại gia cầm mới, có thiết bị hiện đại và không có cửa sổ. Vì vậy, những gì chúng tôi có thể làm bây giờ là cầu xin Chúa ngăn chặn dịch bệnh bùng phát", Reuters dẫn lời Shigeo Inaba, người nuôi gà lấy thịt ở quận Ibaraki gần Tokyo, Nhật Bản.

Cuộc chiến mới

Gregorio Torres, người đứng đầu bộ phận khoa học của Tổ chức Thú y Thế giới có trụ sở tại Paris (Pháp), một nhóm liên chính phủ và toàn cầu, cho biết các loài chim hoang dã đã lây lan dịch bệnh ra khắp thế giới. Sự lây truyền này đang tiếp tục lan rộng dần và có khả năng mang theo lượng virus kỷ lục.

Ông nói với Reuters rằng loại virus này đã thay đổi từ những đợt bùng phát trước đó thành một dạng có khả năng lây truyền cao hơn.

Tuy nhiên, Torres không thể xác nhận virus này tồn tại đặc hữu ở các loài chim hoang dã trên toàn thế giới, mặc dù các chuyên gia khác nhận định chúng chỉ có ở một số loài chim ở những nơi như Mỹ.

David Suarez, quyền giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu gia cầm Đông Nam của chính phủ Mỹ ở Georgia, cho biết dạng virus lưu hành đang lây nhiễm cho nhiều loài chim hoang dã hơn so với các phiên bản trước, bao gồm cả những loài không di cư xa.

leftcenterrightdel
Virus cúm gia cầm lây nhiễm cho nhiều loài chim hoang dã hơn so với các phiên bản trước, bao gồm cả những loài không di cư xa. Ảnh:Shutterstock.  

David Stallknecht, Giám đốc nghiên cứu bệnh động vật hoang dã hợp tác Đông Nam tại Đại học Georgia, cho biết kền kền đen, sống ở miền Nam (Mỹ), có thể tránh được các bệnh nhiễm trùng trước đây. Nhưng hiện tại, chúng là một trong những loài bị ảnh hưởng.

Virus cũng đã lây nhiễm sang động vật có vú như cáo, gấu và hải cẩu. "Tôi thật sự không thể nhìn thấy viễn cảnh virus này sẽ biến mất. Chúng ta chỉ có thể tin vào phép màu", Stallknecht nói.

Stallknecht cũng cho biết nồng độ virus cao ở các loài chim như mòng biển cánh xanh, vịt di cư đã giúp virus lây lan sang các vùng mới của Nam Mỹ. Các quốc gia bao gồm Peru, Ecuador, Bolivia trong những tháng gần đây đã báo cáo nhiều trường hợp mắc bệnh.

Một số chuyên gia nghi ngờ biến đổi khí hậu khiến môi trường sống và đường di cư của các loài chim hoang dã thay đổi, điều này cũng góp phần vào sự lây lan toàn cầu của cúm gia cầm.

Carol Cardona, giáo sư tại Đại học Minnesota (Mỹ), chuyên gia về cúm gia cầm, cho biết: "Động lực học của các loài chim hoang dã đã thay đổi. Điều này cho phép các loại virus sống trong chúng cũng thay đổi theo".

Các chuyên gia cho biết nông dân đang thử các chiến thuật khác thường để bảo vệ gia cầm, chẳng hạn dùng máy phát ra tiếng động lớn để xua đuổi chim hoang dã.

Ở Rhode Island (Mỹ), Eli Berkowitz, Giám đốc điều hành nhà sản xuất trứng, đã phun chất khử trùng lên phân ngỗng trên lối đi trong trang trại để đề phòng virus. Ông cũng áp dụng biện pháp phòng ngừa truyền thống là hạn chế khách đến thăm trang trại.

Berkowitz cho biết ông đang chuẩn bị cho tháng 3 và tháng 4, mùa di cư của các loài chim hoang dã, có thể gây ra rủi ro lớn hơn đối với gia cầm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cúm gia cầm là căn bệnh truyền nhiễm do virus (type A) ở gia cầm. Virus này chủ yếu lây lan ở các loài chim hoang dã sống dưới nước trên toàn thế giới, có thể lây nhiễm cho gia cầm nuôi và các động vật khác.

Virus cúm gia cầm thường không lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, những trường hợp lây nhiễm lẻ tẻ ở người với virus cúm gia cầm cũng được ghi nhận.

Cúm A H5N1 được là chủng virus cúm gia cầm có độc lực cao, được phát hiện lần đầu năm 1997. Virus H5N1 luôn luôn biến đổi khiến CDC và giới chức y tế nỗ lực tìm cách ứng phó, đề phòng xảy ra đại dịch.

Theo zingnews