WHO vừa lên tiếng cảnh báo thế giới phải chuẩn bị cho một đại dịch cúm gia cầm có thể xảy ra ở người, sau khi một số trường hợp nhiễm H5N1 đã được báo cáo ở rái cá, chồn và cáo. Dấu hiệu cho thấy chủng vi rút này có thể trải qua đột biến để lây lan từ chim sang động vật có vú, qua đó tiến gần hơn đến con người.

leftcenterrightdel
 Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Gebreyesus cảnh báo rằng thế giới cần đề phòng nguy cơ một đợt bùng phát cúm gia cầm ở người - Ảnh: Daily Mail

Trong một diễn biến liên quan, Vương quốc Anh vừa báo cáo về đợt bùng phát cúm gia cầm lớn nhất từ trước đến nay ở quốc gia này, thậm chí đã lan sang động vật có vú. Trước đó, Tây Ban Nha cũng có báo cáo tương tự về làn sóng bùng phát cúm gia cầm ở khu vực Tây bắc nước này, được ghi nhận ở loài chồn.

Ông Ghebreyesus cho biết nguy cơ vi rút lây sang người vẫn còn thấp, nhưng: “Chúng ta không thể cho rằng sự an toàn sẽ được duy trì và phải chuẩn bị cho bất kỳ thay đổi nào”.

Trước đây, đã có tiền lệ H5N1 được phát hiện ở người, nhưng các trường hợp đều xảy ra riêng lẻ và có liên quan chặt chẽ với việc tiếp xúc gần với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh. Chủng vi rút này vốn không dễ lây nhiễm sang người hoặc các động vật có vú khác.

Nhưng một số báo cáo gần đây về hiện tượng lây nhiễm cúm gia cầm ở động vật có vú đã làm dấy lên lo ngại rằng vi rút gây bệnh có thể đạt được các đột biến giúp chúng dễ dàng lây sang người hơn, loại bỏ rào cản lớn nhất đã ngăn cản một đại dịch cúm gia cầm càn quét thế giới.

Hoa Kỳ cũng đã phải đối mặt với một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm lớn và nghiêm trọng nhất trong năm vừa qua, với hơn 58 triệu gia cầm bị ảnh hưởng ở gần như mọi tiểu bang trong nước và 6.100 trường hợp chim hoang dã, số liệu kỷ lục đối với nước này.

Các chuyên gia cảnh báo rằng sự bùng phát cúm gia cầm ở loài chồn của Tây Ban Nha có thể dẫn đến sự kiện tái tổ hợp, khi 2 loại vi rút chuyển đổi vật liệu di truyền để tạo ra một giống lai mới. Đây chính là hiện tượng đã dẫn đến sự ra đời của biến chủng COVID-19 Deltacron, kết quả của sự tái hợp của 2 biến chủng Delta và Omicron, được ghi nhận sớm nhất ở Pháp vào tháng 2 năm ngoái.

Một quá trình tái tổ hợp tương tự cũng đã gây ra cuộc khủng hoảng cúm lợn toàn cầu năm 2009, lây nhiễm cho hàng triệu người trên khắp hành tinh.

Trong nhiều thập niên, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng cúm gia cầm là ứng viên tiềm năng nhất gây ra đại dịch tiếp theo. Điều này có thể dẫn tới một chủng cúm gia cầm chết người kết hợp với bệnh cúm theo mùa có thể lây truyền.

Đợt bùng phát cúm gia cầm ở chồn đã xảy ra tại một trang trại ở Galicia, vùng Tây bắc Tây Ban Nha, vào tháng 10/2022, nơi nuôi 52.000 con chồn. Sự kiện này chỉ được phát hiện sau khi số lượng động vật chết tăng đột biến. Tới 4% số chồn ở vùng dịch đã chết trong một tuần, đợt dịch được tuyên bố kết thúc vào giữa tháng 11.

Các bác sĩ thú y của trang trại nói trên đã lấy mẫu bệnh phẩm của những con chồn và các mẫu được phân tích tại phòng thí nghiệm của Chính phủ Tây Ban Nha, nơi tất cả đều cho kết quả dương tính với vi rút H5N1.

Hậu quả là tất cả các loài động vật liên quan đến đợt dịch bị tiêu hủy, công nhân trang trại bị cách li trong 10 ngày, chính phủ Tây Ban Nha cũng ban hành các biện pháp an ninh tăng cường tại các trang trại trên toàn quốc, các nhân viên phải sử dụng khẩu trang và áo liền quần dùng một lần và tắm trước khi rời khỏi cơ sở.

Kết quả phân tích các mẫu bệnh phẩm nói trên đã được công bố trên tạp chí chuyên về bệnh truyền nhiễm Eurosurveillance, cho thấy vi rút cúm gia cầm ở vùng Galicia đã đạt được gần một chục đột biến, hầu hết chưa từng thấy hoặc hiếm khi được nhìn thấy trước đây ở các chủng cúm gia cầm.

Tại Vương quốc Anh, một báo cáo vào tháng 12 năm ngoái cho thấy có 4 mẫu xét nghiệm từ rái cá và cáo bị nhiễm bệnh “cho thấy sự hiện diện của một đột biến có liên quan đến lợi thế tiềm ẩn đối với việc lây nhiễm ở động vật có vú”.

Theo phụ nữ TPHCM