Màng não gồm 3 lớp với tên gọi từ ngoài vào trong là màng cứng, màng nhện và màng mềm. Các lớp màng này bao xung quanh não bộ và tủy sống. Chức năng chính của màng não là giúp bảo vệ hệ thần kinh trung ương.
Khi có các tác nhân gây viêm tấn công đến các lớp màng não như vi khuẩn hay virus, sẽ dẫn đến viêm màng não. Đây là bệnh liên quan đến tình trạng viêm của lớp màng bảo vệ não và tủy sống.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc viêm màng não, triệu chứng của bệnh thường tương tự nhau. Do đó, cha mẹ cần hiểu rõ về căn bệnh này để phòng ngừa và làm giảm nguy cơ mắc viêm màng não cho trẻ.
Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não ở trẻ
Nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng viêm não là do virus. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể qua mũi hoặc miệng, rồi di chuyển lên não. Theo ghi nhận, có đến 90% các trường hợp viêm màng não ở trẻ là do các nguyên nhân sau:
1.1. Viêm màng não ở trẻ do vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenza type B)
Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ không được tiêm phòng. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm màng não mủ ở trẻ trong khoảng từ 1 - 3 tuổi.
Bệnh viêm màng não ở trẻ do vi khuẩn Hib chủ yếu lây truyền từ người sang người, thông qua đường hô hấp. Bệnh có thể để lại những biến chứng nặng nề cho trẻ như di chứng thần kinh vĩnh viễn, tổn thương não, điếc, rối loạn tâm thần, trí tuệ sa sút, giảm khả năng học tập, khó khăn khi vận động…
Viêm màng não ở trẻ do vi khuẩn Hib thường có thời gian ủ bệnh dưới 10 ngày. Rồi khởi phát với các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như: Sốt cao trên 39 độ C, chảy nước mũi, ho… nên rất dễ nhầm lẫn với những triệu chứng cảm cúm, viêm mũi họng, viêm phế quản thông thường.
Ở một số trường hợp nặng hơn, trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu như: Rối loạn tri giác, thị giác; Quấy khóc, ánh mắt vô cảm; Bị nôn trớ, bỏ bú, ngủ li bì; Tiêu chảy; Co giật, lơ mơ, hôn mê…
1.2. Viêm màng não ở trẻ do phế cầu khuẩn (Streptococcus Pneumoniae)
Viêm màng não do phế cầu là một trong các bệnh do phế cầu khuẩn gây nên, có tỉ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng nặng nề. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm màng não do phế cầu khuẩn chính là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não...
Phế cầu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh lý về đường hô hấp, mà chủ yếu là ở trẻ nhỏ, nguy hiểm nhất là viêm màng não do phế cầu với tỷ lệ tử vong đến 30%.
Vi khuẩn phế cầu trú trong hầu họng người lớn và trẻ em, có 40 - 70% trẻ khỏe mạnh mang phế cầu vùng mũi họng. Đây là tác nhân hàng đầu gây ra những bệnh nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa, nặng hơn nữa là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Trong đó, viêm màng não là bệnh khó phát hiện và nguy hiểm nhất.
Biểu hiện rõ nhất là sốt cao từ 39 - 40 độ C, liên tục kèm theo nhức đầu, đau mỏi cơ khớp... Trường hợp nhiễm khuẩn huyết thì sẽ sốt cao, trụy tim mạch, tụt huyết áp, nước tiểu ít, sốc...
1.3. Viêm màng não mô cầu (Neisseria Meningitides)
Viêm màng não trẻ em do mô cầu là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với các hạt nước miếng bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm. Sự lây truyền của bệnh qua đồ vật là hiếm xảy ra.
Bệnh viêm màng não do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Bệnh thường khởi phát đột ngột, với các dấu hiệu tương tự bệnh cảm cúm như: Nhức đầu, ho, đau họng, mệt mỏi...
Một trong những triệu chứng điển hình của viêm màng não mô cầu là xuất huyết ban, chủ yếu ở các vùng nách, hông, quanh các khớp khuỷu, gối, cổ chân. Ban có dạng giống như các nốt phỏng, lan rộng, thường xuất hiện trong vòng 1 - 2 ngày sau khi sốt. Ngày nay, nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong sẽ từ 5% đến 15%.
Nên cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vaccine vì có thể phòng ngừa một số loại viêm màng não do vi khuẩn. Ảnh minh hoạ.
Phòng bệnh viêm màng não ở trẻ
Bệnh viêm màng não có thể ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh bằng các biện pháp như:
- Thường xuyên giúp trẻ và nhắc nhở trẻ rửa tay đúng cách, vệ sinh cá nhân tốt.
- Hạn chế và không dùng chung đồ với trẻ khác.
- Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, sạch sẽ.
- Thường xuyên cho trẻ hoạt động ngoài trời để nâng cao sức đề kháng.
- Hạn chế cho trẻ ra nơi đông người, nhất là thấy có người ốm cần phải giữ khoảng cách, nếu ho, hắt hơi cần che miệng.
- Nên cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vaccine vì có thể phòng ngừa một số loại viêm màng não do vi khuẩn. Hiện nay, ở Việt Nam đã có vaccine phòng viêm não Nhật Bản, vaccine 6 trong 1 phòng HIB, vaccine phòng não mô cầu, phế cầu.
Ngoài ra, cha mẹ cần vệ sinh nhà cửa, môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát. Cho trẻ ngủ trong màn, tránh để muỗi đốt. Nếu phát hiện cơ thể có dấu hiệu bất thường, cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo suckhoedoisong.vn