Có một số trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật, được chẩn đoán viêm màng não, Chụp CT-Scan não thấy đã có biến chứng tụ mủ dưới màng cứng. Tình trạng này cần điều trị kháng sinh và phẫu thuật.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, những trẻ bị viêm màng não thường có các triệu chứng ban đầu giống như các bệnh hô hấp thông thường nên dẫn tới việc chẩn đoán nhầm lẫn, điều trị sai cách nên dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
Vậy làm thế nào để phân biệt viêm màng não và các bệnh hô hấp? Nên làm gì để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh?
1. Làm thế nào để nhận biệt viêm màng não so với bệnh hô hấp?
Khi trẻ bị viêm màng não, có thể xuất hiện các triệu chứng tương đồng như các bệnh hô hấp trong giai đoạn đầu, chẳng hạn sốt cao, ớn lạnh, ho, mệt mỏi,… Sau đó, trẻ bị viêm màng não có thể gặp các triệu chứng khác, dễ nhận biết hơn như:
1.1. Triệu chứng viêm màng não do virus
Viêm màng não do virus ở trẻ có thể gây ra các triệu chứng như:
- Chán ăn
- Cáu gắt
- Nôn mửa
- Tiêu chảy
- Phát ban
- Triệu chứng hô hấp
Các loại virus gây ra viêm màng não cụ thể như virus đường ruột, cúm, bệnh quai bị, bệnh sởi, virus herpes như thủy đậu.
|
|
Triệu chứng ban đầu của viêm màng não giống với bệnh hô hấp như sốt, ho, ớn lạnh (Ảnh: Internet) |
1.2. Triệu chứng viêm màng não do vi khuẩn
Các triệu chứng viêm màng não do vi khuẩn phát triển đột ngột, bao gồm:
- Thay đổi trạng thái tinh thần
- Buồn nôn
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Cáu gắt
- Đau đầu
- Sốt
- Ớn lạnh
- Phát ban mờ trên da. Vi khuẩn từ bệnh viêm màng não mô cầu sinh sản trong máu và nhắm mục tiêu các tế bào xung quanh mao mạch. Tổn thương các tế bào này dẫn đến tổn thương mao mạch và rò rỉ máu nhẹ. Điều này xuất hiện dưới dạng phát ban màu hồng nhạt, đỏ hoặc tím. Các đốm này có thể giống như những vết kim châm nhỏ và dễ bị nhầm là vết bầm tím.
Khi nhiễm trùng nặng hơn và lan rộng, phát ban có thể trở nên rõ ràng hơn. Các đốm sẽ phát triển tối hơn và lớn hơn.
Đây là loại viêm màng não nguy hiểm có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu như không điều trị kịp thời. Do các loại vi khuẩn như Haemophilus influenzae týp B (HiB), Neisseria meningitidis (vi khuẩn não mô cầu), Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn).
1.3. Viêm màng não do nấm
Viêm màng não do nấm thường xảy ra ở trẻ em và những người có hệ miễn dịch yếu. Giống như triệu chứng viêm màng não khác, viêm màng não do nấm gây ra triệu chứng:
- Đau đầu
- Cổ cứng
- Sốt cao
- Nôn và buồn nôn
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Thay đổi tâm trạng
1.4. Viêm màng não mãn tính
Đây là tình trạng viêm màng não kéo dài hơn 4 tuần, các triệu chứng tương tự như viêm màng não do vi khuẩn hoặc nấm. Nhưng các triệu chứng có thể phát triển chậm hơn.
Theo CDC, các triệu chứng của bệnh viêm màng não thường xuất hiện 3–7 ngày sau khi bị nhiễm trùng. Các triệu chứng có thể phát triển từ 2 đến 10 ngày. Ban đầu bệnh có các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn, nên cha mẹ cần đặc biệt lưu ý các triệu chứng và phản ứng của trẻ.
Lưu ý, khi trẻ nhỏ có các biểu hiện sốt cao, ho, tiêu chảy nhiều ngày không thuyên giảm, quấy khóc liên tục, bú hoặc ăn kém. Trẻ lớn hơn có triệu chứng đau đầu, sợ ánh sáng, buồn nôn, co giật,… Cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời.
2. Biến chứng của viêm màng não
Điều quan trọng để phòng ngừa các biến chứng do viêm màng não gây ra là chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu để bệnh tình tiến triển lâu ngày mà không can thiệp đúng cách, có thể sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như: co giật, mất thính lực, mất thị lực, vấn đề trí nhớ, đau nửa đầu, tổn thương não, não úng thủy, tràn mủ dưới màng cứng, hoặc tích tụ chất lỏng giữa não và hộp sọ.
|
|
Viêm màng não có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ (Ảnh: ST) |
Nguy hiểm hơn nhiễm trùng viêm màng não có thể tạo ra vi khuẩn trong máu. Những vi khuẩn này nhân lên và một số giải phóng độc tố. Điều đó có thể gây tổn thương mạch máu và rò rỉ máu vào da và các cơ quan.
3. Làm thế nào để phòng bệnh viêm màng não?
Để phòng ngừa viêm màng não, đặc biệt phòng bệnh ở trẻ sơ sinh, người có hệ miễn dịch kém nên áp dụng một số biện pháp sau:
- Uống nhiều nước
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể để tăng cường miễn dịch
- Rửa tay thường xuyên. Đặc biệt ở trẻ em, cha mẹ nên khuyến khích trẻ không ngậm tay, cho tay lên mắt, mũi,… vì viêm màng não do vi khuẩn và virus có thể lây nhiễm qua giọt bắn hoặc tiếp xúc với các bề mặt nhiễm virus, vi khuẩn.
- Tiêm phòng đầy đủ. Hiện nay, đã có vaccine phòng ngừa bệnh viêm màng não do vi khuẩn Hib, phế cầu khuẩn và mô cầu các nhóm.
Theo khuyến cáo, trẻ em 2 tháng tuổi nên tiêm vaccine liên hợp phế cầu. Tiêm chủng định kỳ với vaccin liên hợp H.influenzae nhóm b có hiệu quả đối với trẻ em từ 2 tháng tuổi. Trẻ nhũ nhi trên 6 tuần tuổi có nguy cơ cao bị bệnh viêm màng não do não mô cầu cần được tiêm chủng não mô cầu. Đối với trẻ nhũ nhi không có nguy cơ cao, nên chủng ngừa thường xuyên viêm màng não cầu khuẩn ở tuổi 11 hoặc 12 tuổi.
Để biết rõ về chủng ngừa viêm màng não, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện hoặc phòng tiêm chủng để được tư vấn.
- Nếu trẻ mắc các bệnh hô hấp như viêm mũi họng, viêm tai nên điều trị kịp thời
- Tránh tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc viêm màng não. Nếu chẳng may tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi trùng não mô cầu, bác sĩ có thể sẽ cho dùng thuốc kháng sinh để giảm khả năng mắc bệnh.
Nhìn chung, viêm màng não ở trẻ rất nguy hiểm nếu như không phát hiện và điều trị kip thời. Tuy nhiên, phụ huynh có thể phòng bệnh cho con bằng các biện pháp như tiêm phòng, tăng cường hệ miễn dịch, vệ sinh sạch sẽ,... Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ viêm màng não, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện sớm để chẩn đoán và điều trị.
Vân Anh (Nguồn: Healthline.com)