Đu đủ chứa các enzyme bảo vệ bệnh nhân tiểu đường chống lại các gốc tự do có hại và có chỉ số đường huyết là 60
Chỉ số đường huyết (GI) đo lường cách thức ăn chứa carbohydrate làm tăng mức đường huyết. Theo chuyên san International Journal of Nutrition, Pharmacology, Neurological Diseases, thực phẩm có GI cao có xu hướng làm tăng lượng đường trong máu hơn thực phẩm có GI thấp. GI thấp là dưới 55, GI trung bình là 56 - 69, và GI trên 70 được coi là cao.
Khoảng 91% quả bưởi là nước và có GI là 25. Bưởi giàu vitamin C, chất xơ hòa tan, chứa naringenin - một loại chất chống ô xy hóa flavonoid giúp tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin. Ăn khoảng nửa quả bưởi mỗi ngày để kiểm soát lượng đường trong máu.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu y tế quốc gia Pháp Inserm được công bố trên chuyên san Diabetologia, các chất chống ô xy hóa mạnh như vitamin C, vitamin E, lycophene hay flavonoid có trong dâu tây, mâm xôi… giúp giảm nguy cơ bị tiểu đường loại 2.
Ngoài ra, dâu tây có GI là 41 và ít carbohydrate. Ăn dâu tây giúp cung cấp năng lượng và cân bằng lượng đường trong máu. Ăn khoảng 3/4 chén dâu tây mỗi ngày là hữu ích đối với bệnh nhân tiểu đường.
Cam giàu chất xơ, ít đường, nhiều vitamin C và thiamine. Ăn cam kiểm soát được lượng đường trong máu vì có chỉ số đường huyết rất thấp, 44. Cam cũng giúp quản lý cân nặng. Uống một quả cam mỗi ngày cũng giúp kiểm soát tiểu đường.
Với chỉ số đường huyết thấp 22, giàu vitamin C, chất chống ô xy hóa, chất sắt, beta-carotene, kali, folate, ma giê và chất xơ, quả cherry cực kỳ có lợi cho bệnh nhân tiểu đường. Hơn nữa, cherry giàu anthocyanin được cho là làm giảm lượng đường trong máu.
Táo có chỉ số GI là 38, giàu vitamin C, chất xơ hòa tan, chất chống ô xy hóa, chất pectin giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể và kiểm soát tiểu đường.
Các nhà khoa học tại Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) cho biết quả lê có 84% hàm lượng nước, rất nhiều chất xơ và vitamin giúp kiểm soát đường huyết. Lê hữu ích cho bệnh tiểu đường vì tăng độ nhạy cảm với insulin và mức đường huyết thấp 38. Bạn có thể ăn một quả lê nhỏ mỗi ngày để thỏa mãn cơn thèm ngọt.
Không chỉ ít calo, mận còn có chỉ số đường huyết thấp, ở mức 24. Mận giàu chất xơ tốt cho bệnh nhân tiểu đường và tim mạch. Nhiều bệnh nhân tiểu đường thường bị táo bón, ăn mận giúp cải thiện hệ tiêu hóa và ngăn chặn táo bón, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Bệnh viện St.Michael's (Canada).
Các chất béo và kali lành mạnh trong quả bơ tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Ăn bơ cũng hạ mỡ máu triglyceride và giảm mức cholesterol xấu trong cơ thể. Bơ có chỉ số đường huyết rất thấp là 15.
GI của quả đào là 28 và hàm lượng chất xơ, chất chống ô xy hóa, vitamin trong quả đào thực sự có lợi cho bệnh nhân tiểu đường.
Thơm (dứa) có chỉ số đường huyết là 56 và có các đặc tính chống vi rút và kháng viêm. Ăn quả lựu cũng cải thiện lượng đường trong máu nhờ có chỉ số đường huyết thấp là 18. Đu đủ chứa các enzyme bảo vệ bệnh nhân tiểu đường chống lại các gốc tự do có hại và có chỉ số đường huyết là 60.
Theo Thanh Niên