Nhưng sẽ không bất ngờ nếu chúng ta biết rằng nguyên nhân trầm cảm có thể đến từ chính gia đình. Về điều này, ThS tâm lý lâm sàng LÊ NGUYỄN ANH KHÔI - nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành trị liệu cặp đôi và gia đình, ĐH Syracuse (New York) - cho biết:
- Trầm cảm là một vấn đề rất phổ biến trong các nhóm dân số khác nhau tại các quốc gia trên thế giới.
Áp lực xã hội về tiêu chuẩn sống, lượng thông tin cần tiếp nạp, các hiểm họa môi trường, những vấn đề xã hội xuyên thế hệ (phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số), hay dịch bệnh có thể làm gia tăng nguy cơ trầm cảm nơi chúng ta.
Nếu xem gia đình là một phần của hệ thống xã hội thì các vấn nạn kể trên tạo ra áp lực không nhỏ lên gia đình và từ đó lên các thành viên trong gia đình. Như khi xã hội có những khuôn mẫu nhất định về sự thành công và sự chấp nhận, gia đình sẽ chịu ảnh hưởng và hướng các thành viên, đặc biệt là con cái, theo những khuôn mẫu đó.
Chẳng hạn, nếu xã hội nhìn nhận sự thành công ở các thanh thiếu niên thông qua thành tích học tập xuất sắc và việc đậu vào các trường đại học danh tiếng, thì một cách nào đó cha mẹ có thể sẽ định hướng con cái theo tiêu chuẩn tương tự.
Về phương diện tâm lý gia đình, khó khăn sẽ nảy sinh nếu trẻ chỉ cảm thấy bản thân đang gánh vác kỳ vọng của cha mẹ, thay vì đang được yêu thương và được phát triển phù hợp với chính bản thân trẻ.
Về phương diện gắn bó, nguy cơ bị từ chối và không được yêu thương khi thất bại trong đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ có khả năng gia tăng các khó khăn tâm lý, bao gồm trầm cảm nơi thanh thiếu niên. Điều này cũng khiến thanh thiếu niên giảm sút lòng tin nơi bản thân, ít tìm kiếm giúp đỡ hơn, trở nên dễ tổn thương hơn trước các yếu tố gây căng thẳng trong đời sống.
* Vậy, khi một người bị trầm cảm, người thân có thể giúp gì cho họ?
- Tôi vẫn thường nghe những câu chuyện rằng một người trong gia đình có dấu hiệu trầm cảm và vấp phải sự phủ nhận hoặc chỉ trích của người thân.
Vì cốt lõi của trầm cảm là cảm nhận mất giá trị và mất năng lực kết nối với xung quanh, việc được đón nhận và không bị phê phán sẽ giúp tình trạng trầm cảm nơi người đó có cơ hội không tiến triển nặng hơn.
Một số người có thể có ý định hoặc kế hoạch tự sát, nhưng nếu được lắng nghe và được giãi bày, những nguy cơ này có thể phai nhạt phần nào.
Ngoài ra, trầm cảm thường khiến một người không có đủ năng lượng để đảm đương các công việc thường ngày. Do vậy, đừng tạo áp lực quá lớn buộc họ phải sinh hoạt và làm việc như thông thường.
Mặt khác, cũng cần khuyến khích họ thực hiện một số việc nhất định, như chăm sóc bản thân, ăn uống đúng bữa... để duy trì cảm giác có năng lực và có kết nối với xung quanh.
Hơn nữa, người thân có thể liên lạc các trung tâm và nhà chuyên môn để tìm hỗ trợ chuyên nghiệp trong trường hợp cần thiết.
Đối diện với trầm cảm theo hướng trị liệu gia đình sẽ giúp gia đình hoặc cặp đôi nhận ra được các vấn đề trong mối quan hệ có thể làm phát sinh và duy trì trầm cảm, cũng như gánh nặng mà trầm cảm đặt lên quan hệ gia đình/cặp đôi.
Đồng thời, gia đình và cặp đôi có thể thực hành những cách tương tác và xử lý vấn đề khác đi nhằm tránh nguy cơ khiến trầm cảm tái diễn về sau.
* Lời khuyên của anh dành cho cha mẹ cũng như người trẻ đang gặp vấn đề tâm lý, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên?
- Như tôi đã nêu trên, điều đáng sợ nhất với con người là việc trở nên vô hình và không còn được ai ghi nhận, kết nối. Ví dụ như trong những lần giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, tỉ lệ trầm cảm ghi nhận được trong các nhóm dân số tăng rất cao.
Bên cạnh những lý do về nguy cơ tử vong và khánh kiệt tài chính, sự mất kết nối và cô lập cũng là những giả thuyết chính.
Cảm giác được ghi nhận và có kết nối với xung quanh áp dụng cho cả những bế tắc và đau khổ chứ không riêng gì những niềm vui hay thành tựu trong đời sống hằng ngày.
Ai cũng mong con cái sẽ thành công trong cuộc sống và có một cuộc sống đủ đầy; những kỳ vọng như vậy đều chính đáng. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ yêu thương con cái thông qua những mong đợi như thế thì khả năng mất kết nối giữa đôi bên sẽ xuất hiện, khi con trẻ cảm thấy bản thân không thể đáp ứng chúng.
Không thể không thừa nhận là áp lực thành công lên người Việt Nam hiện rất lớn nên các gia đình cũng khó tránh khỏi vòng xoáy này. Việc cân bằng giữa những gì cha mẹ hình dung về cuộc sống và những gì cần thiết cho sự phát triển (hạnh phúc) của trẻ vì vậy vô cùng cần thiết.
Tự nhận biết biểu hiện trầm cảm rất quan trọng
ThS tâm lý lâm sàng LÊ NGUYỄN ANH KHÔI
Về các biểu hiện trầm cảm, điều đầu tiên nhận thấy là người bị trầm cảm sẽ trở nên trầm buồn, mất hứng thú trong các hoạt động thường lệ, và gây nên suy giảm khả năng học tập, lao động, giao tiếp xã hội, quan hệ tình dục...
Một số dấu hiệu khác gồm biếng ăn, rối loạn giấc ngủ, mất hy vọng, giảm tập trung, giảm năng lượng, trở nên chậm chạp, dễ bị kích động, và có suy nghĩ hoặc kế hoạch tự tử. Về mặt chẩn đoán, các dấu hiệu này cần kéo dài trong ít nhất hai tuần.
Việc tự nhận biết các biểu hiện trầm cảm của bản thân và người thân cũng rất quan trọng. Vì điều này có thể giúp chúng ta nhanh chóng tìm cách tự hồi phục, ngăn ngừa trầm cảm tiến triển nặng hơn, và/hoặc tìm kiếm trợ giúp chuyên nghiệp.
ThS tâm lý lâm sàng LÊ NGUYỄN ANH KHÔI
|
Theo Tuổi trẻ