Sau vài tuần, tình trạng của bà tệ hơn. Bà bắt đầu căng thẳng, mất ngủ, không còn thiết tha chăm sóc vẻ ngoài, tránh tương tác xã hội và gặp gỡ bạn bè.
Vào tháng 7/2020, Xu có ý định tự tử. Bà nói với anh trai rằng bà muốn nhảy khỏi cửa sổ trên tầng 27. Những lời đó khiến gia đình choáng váng, đặc biệt là cô con gái Zhou Ying, hiện sống tại Thượng Hải.
Nhiều gia đình Trung Quốc cũng có cảnh ngộ tương tự. Trầm cảm len lỏi trong xã hội Trung Quốc, với ước tính 95 triệu người đang sống chung với căn bệnh này. Trong đó, phụ nữ trung niên thuộc nhóm có nguy cơ cao. Theo một khảo sát quốc gia về sức khỏe tâm thần vào năm 2019, 65% người bị trầm cảm là nữ giới và hơn một nửa người trong nhóm này ở độ tuổi từ 50 trở lên.
Trong thời kỳ mãn kinh, nguy cơ bị trầm cảm tăng lên đáng kể. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Y tế Dự phòng Trung Quốc công bố năm 2016, tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh cao gấp 4 lần so với phụ nữ tiền mãn kinh.
Nguyên nhân gây trầm cảm là những thay đổi trong cuộc sống và hormone vào thời kỳ mãn kinh, theo Wang Yong, bác sĩ tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải. Bác sĩ Wang cho biết: "Các vấn đề về tình cảm vợ chồng hay việc con cái chuyển ra ngoài sống có thể dẫn đến khủng hoảng tâm lý ở người trung niên và cao tuổi".
Bệnh rất khó điều trị. Bác sĩ Wang cho biết, cả bệnh nhân và người thân của họ thường không nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Bên cạnh đó, áp lực xã hội khiến phụ nữ Trung Quốc - đặc biệt là người cao tuổi và trung niên – hiếm khi tự nhận mình có vấn đề tâm lý. Trong một xã hội đề cao chủ nghĩa khắc kỷ (dùng lý trí kiểm soát cảm xúc, hành động) và thờ ơ về bệnh tâm thần, nhiều người không sẵn sàng thừa nhận họ cần sự giúp đỡ, ngay cả với chính mình.
Tuy nhiên, câu chuyện của bà Xu cho thấy hệ quả của chứng trầm cảm mãn kinh có thể rất nghiêm trọng. Theo nghiên cứu năm 2019, tỷ lệ tự tử của người trầm cảm tại Trung Quốc là từ 4% đến 10,6%. Mặc dù bà Xu cuối cùng đã bình phục, cô Zhou cho rằng căn bệnh này là "kẻ giết người vô hình" cần phải được nhìn nhận nghiêm túc hơn.
Zhou đang làm những gì có thể để nâng cao nhận thức về căn bệnh. Cô gái 29 tuổi này chia sẻ câu chuyện của mẹ trên mạng xã hội Douban và kêu gọi những người khác quan tâm tới người thân đang trải qua thời kỳ mãn kinh. Chuyện của Zhou thu hút hơn 2 triệu lượt xem và hàng trăm người chia sẻ tình cảnh của họ. Giống như Zhou, nhiều người cho biết họ phải đến nơi khác làm ăn, khiến bản thân khó nhận ra các triệu chứng bệnh của người thân.
Theo bác sĩ Wang, chìa khóa để giải quyết chứng trầm cảm mãn kinh là thay đổi cách nhìn nhận đối với vấn đề sức khỏe tâm thần ở người lớn tuổi. Vị bác sĩ cho biết gần 1/3 số bệnh nhân của ông là người trung niên hoặc cao tuổi và họ thường khó điều trị nhất.
Sự thiếu hiểu biết về tâm sinh lý của những người bị trầm cảm mãn kinh càng khoét sâu thêm định kiến về căn bệnh. Giống như nhiều bệnh nhân khác, lúc đầu, bà Xu thấy khó chấp nhận tình trạng của mình. Bà yêu công việc và có mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp. "Mẹ tôi liên tục khẳng định bà không có lý do để bất mãn", cô Zhou kể lại.
Bà Xu may mắn khi có sự hậu thuẫn đắc lực từ gia đình. Sau khi nghe ý định tự tử của mẹ, cô Zhou đã nghỉ làm để đưa bà lên Thượng Hải khám bệnh. Chuyến đi không suôn sẻ và bà Xu không muốn sống ở thành phố lạ. Vì thế, bà về quê ở tạm với họ hàng và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nhờ đó, bà không còn mất ngủ nữa, mặc dù cảm giác chán nản vẫn chưa biến mất. Khi năm học mới bắt đầu, bà Xu muốn nghỉ phép nhưng con gái phản đối. Thay vào đó, gia đình đã thu xếp cho bà làm một vị trí nhẹ nhàng hơn.
Cuối năm 2018, bà Xu muốn đi khám ở Côn Minh và nhận được sự ủng hộ của con gái. "Thật tốt khi mẹ tôi đề xuất đến bệnh viện", cô Zhou cho hay. Bà Xu dành hai tuần trong viện cùng chồng. Họ cùng ăn uống, xem tivi và đi dạo buổi tối. Sau khi ra viện, cặp đôi trở về nhà để dự lễ hội mùa xuân. Kể từ đó, bà đã bớt căng thẳng, trở nên hòa đồng, hoạt bát và quan tâm tới vẻ ngoài hơn.
Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề "mãn kinh" ở nam giới, nhiều nghiên cứu chỉ ra 30-40% đàn ông ở độ tuổi 40-70 có triệu chứng mãn dục nam, phổ biến nhất là suy giảm hormone. Trong một số trường hợp, họ cũng gặp phải vấn đề tâm lý.
Dù sự thay đổi tâm sinh lý không mạnh mẽ như ở nữ giới, tình trạng của nam giới thường khó chữa hơn. "Trong văn hóa Trung Quốc, đàn ông, đặc biệt là người lớn tuổi, không muốn để lộ nỗi buồn và khó chấp nhận vấn đề của bản thân. Họ cảm thấy xấu hổ và sợ bị kỳ thị", bác sĩ Wang giải thích.
Trong một thời gian dài, ông Wang, một kỹ thuật viên đã nghỉ hưu, luôn cảm thấy bồn chồn, bực bội. Từng là một người nhút nhát và dễ tính, ông Wang bỗng hay tỏ ra khó chịu vì những thứ nhỏ nhặt. "Nếu chuyện không theo ý bố tôi, ông sẽ rất tức giận", cô Wang Jing, con gái ông, chia sẻ.
Theo lời một người bạn, ông Wang thử uống thuốc cổ truyền. Phương pháp này giúp ông bình tĩnh và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, người đàn ông 66 tuổi này vẫn lo lắng và cáu kỉnh. Chỉ sau khi đọc một vài cuốn sách về tâm lý học ở thư viện công cộng, ông mới hiểu bản thân đang trải qua điều gì. "Ông nói rằng ông bị trầm cảm", Wang Jing kể lại.
Kể từ đó, ông Wang bắt đầu tập thể dục để chống lại bệnh trầm cảm. Ông đi dạo mỗi ngày và tham gia nhóm thái cực quyền. Gia đình ông Wang nhận thấy việc điều trị tâm lý không còn cần thiết nữa vì tình trạng của ông tương đối nhẹ.
Về phần bà Xu, cô Zhou cho biết mẹ cô về cơ bản đã bình phục. "Tôi cảm thấy may mắn vì mẹ vẫn còn sống. Tôi rất biết ơn khi gia đình mình luôn ủng hộ, nhìn nhận nghiêm túc về việc điều trị và không coi chứng trầm cảm chỉ là một phần của thời kỳ mãn kinh", cô chia sẻ.
Theo vnexpress