Thực hành làm mẹ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Làm mẹ an toàn là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tối thiểu tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Tuy nhiên, hiện nay ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận các dịch vụ y tế, nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ lại thiếu những kiến thức này.

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, trong thời kỳ mang thai cần chủ động đi khám thai tại cơ sở y tế, ít nhất 4 lần vào các thời kỳ, như: ba tháng đầu là để xác định có thai hay không, thai đã vào tử cung chưa…; ba tháng giữa kiểm tra để biết thông tin về sự phát triển của thai nhi; ba tháng cuối nhằm để biết sự phát triển của thai, ngôi thai, rau thai, dự kiến ngày sinh, trọng lượng của bé khi ra đời cũng như tiên lượng về cuộc sinh sắp tới. Tuy nhiên, trong thời kỳ cuối của thai kỳ tốt nhất cần khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ để nhằm kịp thời phát hiện những bất thường hoặc dấu hiệu chuyển dạ.

Trang bị kiến thức để làm mẹ an toàn - Ảnh 2.
 

Người mẹ cần trang bị kiến thức và kỹ năng về làm mẹ an toàn.

Ngoài ra, trước khi sinh, bà mẹ cần vệ sinh thân thể và tầng sinh môn nhằm tránh nhiễm khuẩn, sinh hoạt tình dục phù hợp, chăm sóc và vệ sinh vú hàng ngày cũng như tập thể dục, lao động nhẹ nhàng để giúp cho sự phát triển của thai và sinh đẻ dễ dàng hơn, nhất là có một tinh thần thoải mái, vui vẻ, sẵn sàng cho cuộc "vượt cạn" an toàn.

Khi có các dấu hiệu chuyển dạ, như: đau bụng cơn, có dịch hồng ở âm đạo, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cuộc sinh diễn ra an toàn. Không nên sinh tại nhà. Trong trường hợp thai nhi có các dấu hiệu già tháng, đa thai, đa ối, thiếu ối rau tiền đạo, ngôi bất thường hoặc mẹ có tiền sử mổ lấy thai, mẹ bị bệnh tim mạch, huyết áp cao, hen phế quản… sẽ được các bác sĩ xử trí kịp thời hoặc chỉ định chuyển tuyến cấp cứu.

Việc chăm sóc sau sinh cũng đóng vai trò rất quan trọng, đây là giai đoạn chăm sóc nhằm giúp cơ thể sản phụ phục hồi sức khỏe trở lại. Do đó, cần theo dõi sản dịch ra quá nhiều hay quá ít, thường thì sau khi sổ nhau sản dịch ra nhiều và giảm dần, và sẽ hết sau 3 tuần. Khi xảy ra một trong những hiện tượng như: ngất xỉu, ra nhiều máu đỏ tươi kèm máu cục, đau bụng dữ dội, sản dịch hôi, vết mổ sưng đau rỉ máu… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Ngay sau sinh, cần cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt bởi phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho sản phụ mà còn tốt cho cả em bé, cho trẻ bú mẹ vừa giúp cơ thể mẹ nhanh chóng bình phục vừa giúp trẻ có sức đề kháng tốt. Các bác sĩ sản khoa cũng khuyến cáo, sau sinh từ 1 đến 2 ngày, bà mẹ có thể tắm gội bình thường bằng nước ấm ở nơi kín gió, không nên ngâm mình trong nước.

Đối với chế độ dinh dưỡng, không ăn uống kiêng khem mà cần nghỉ ngơi đầy đủ, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thực phẩm giàu đạm, chất xơ, uống nhiều nước để tăng lượng sữa cho con bú, đảm bảo mẹ khỏe, con khỏe, gia đình hạnh phúc. Sản phụ nên ngủ đủ giấc, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thực phẩm giàu prôtêin như: thịt, thực phẩm dạng bột, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ để chống táo bón, uống nhiều nước để tăng lượng sữa, cần hạn chế dùng các đồ kích thích, như: trà, cà phê, rượu bia… 

Đồng thời, cần theo dõi sản dịch ra quá nhiều hay quá ít, thường thì sau khi sổ nhau, sản dịch ra nhiều, giảm dần và sẽ hết sau 3 tuần. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý, khi xảy ra một trong những hiện tượng như: ngất xỉu, ra nhiều máu đỏ tươi kèm máu cục, đau bụng dữ dội, sản dịch hôi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị hợp lý.

Nâng cao nhận thức về vai trò của làm mẹ an toàn

Để giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong, lãnh đạo Vụ Sức khoẻ bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, ngành y tế đang tích cực triển khai nhiều giải pháp can thiệp. Đó là chăm sóc bà mẹ trước khi sinh (như theo dõi quản lý thai, khám thai định kỳ ít nhất 4 lần…); áp dụng biện pháp kangaroo với trẻ nhẹ cân, non tháng, giúp phần lớn trẻ đẻ non, nhẹ cân tăng sức đề kháng; tăng cường chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em trong và sau khi sinh thường và sau mổ đẻ; cho trẻ bú mẹ ngay giờ đầu sau sinh và kéo dài ít nhất 24 tháng; giáo dục dinh dưỡng, tập huấn đào tạo, chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu sau sinh….

Trang bị kiến thức để làm mẹ an toàn - Ảnh 3.

Kiến thức về làm mẹ an toàn ở một bộ phận phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế.

Tuần lễ Làm mẹ an toàn 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1-7/10/2023 với chủ đề "Làm mẹ an toàn – Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé". Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm nay đặt ra các chỉ tiêu: Mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn; cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn cho 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương; ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã; vận động, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là các cơ quan tuyên truyền ở cấp huyện, xã đều có tin, bài về làm mẹ an toàn.

Bộ Y tế khuyến khích các địa phương tổ chức lễ phát động Tuần lễ Làm mẹ an toàn, ưu tiên tổ chức trên địa bàn cấp cơ sở. Thời điểm tổ chức lễ phát động nên được thực hiện trước hoặc chậm nhất trong ngày mở đầu Tuần lễ. Tùy từng điều kiện cụ thể, các đơn vị, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo, ưu tiên các hội nghị, hội thảo ở cấp cơ sở với số người tham gia và hình thức tổ chức phù hợp.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi Chương trình, các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa phương, đơn vị.

Theo suckhoedoisong.vn