Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày (bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi...) trào ngược lên thực quản.
Trong điều kiện sinh lý bình thường, mỗi khi chúng ta ăn uống, thức ăn đưa từ miệng xuống thực quản, cơ vòng thực quản dưới mở ra cho phép thức ăn xuống dưới dạ dày, sau đó tự động đóng kín lại để ngăn không cho thức ăn và dịch vị trào ngược trở lại.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi dịch dạ dày trào ngược lên gây tổn thương các cơ quan thực quản, thanh quản, miệng,..
Hầu hết người bệnh có thể kiểm soát sự khó chịu của trào ngược dạ dày thực quản bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, một số người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể cần dùng thuốc mạnh hơn/thuốc kê đơn hoặc phẫu thuật để giảm triệu chứng.
Vậy bệnh trào ngược thực quản dạ dày có triệu chứng gì? Có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách phòng bệnh ra sao?
1. Dấu hiệu nhận biết
Vậy làm thế nào để biết mình bị trào ngược dạ dày thực quản? Bạn cần chú ý một số dấu hiện như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua thường xuất hiện khi ăn no, khi đầy bụng khó tiêu, nằm ngủ, nhất là vào ban đêm.
Buồn nôn, nôn: Sự trào ngược của axít vào họng hoặc miệng, kích thích họng miệng gây cảm giác buồn nôn. Tình trạng này có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào nhưng thường nặng nhất vào ban đêm do tư thế khi ngủ và khi hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động mạnh mẽ hơn.
Đau tức ngực thượng vị: Bạn có thể có cảm giác bị đè ép, thắt ở ngực, xuyên ra sau lưng và cánh tay. Nguyên nhân do axít trào ngược lên kích thích vào các đầu mút sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, cơ quan cảm ứng đau sẽ đưa ra tín hiệu như đau ngực. Bạn cần tránh nhầm lẫn với các bệnh tim mạch và bệnh phổi khi có cùng triệu chứng.
Khó nuốt: Trào ngược dạ dày thực quản với tần suất lớn gây phù nề, sưng tấy, làm thu hẹp đường kính thực quản. Vì thế người bệnh có cảm giác khó nuốt, vướng ở cổ.
Khản giọng và ho: Do dây thanh quản bị tổn thương khi tiếp xúc với axít dạ dày. Người bệnh trào ngược dạ dày sẽ bị khản giọng do dây thanh phù nề, khó nói và lâu ngày thành ho do dịch viêm chảy xuống thanh phế quản.
Miệng tiết nhiều nước bọt: Miệng tiết nhiều nước bọt là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể ở vùng miệng nhằm trung hòa bớt lượng axít trào lên.
Ngoài 6 dấu hiệu trào ngược dạ dày phổ biến trên, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khác như khó tiêu, đầy bụng, hen suyễn viêm phổi,...
2. Nguyên nhân gây bệnh
Khi nuốt thức ăn, bình thường cơ vòng thực quản dưới (cơ ở dưới cùng của thực quản) sẽ mở ra và cho phép thức ăn, đồ uống đi từ thực quản xuống dạ dày. Sau đó cơ này đóng lại. Tuy nhiên, nếu cơ vòng thực quản dưới bị yếu hoặc đóng mở bất thường thì sẽ dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự suy yếu của cơ thắt thực quản dưới? Đó là người bệnh sử dụng một số loại thuốc như holecystokinine, glucagon, aspirin, ibuprofen và các loại thuốc huyết áp...
Người có thói quen sinh hoạt dùng các chất kích thích và gây nghiện như caffein, rượu, thuốc lá,... Người mắc các bệnh lý như tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm thực quản, bệnh lý nhiễm trùng ở thực quản gây xơ, yếu cơ vòng thực quản hoặc các bệnh lý di truyền, thoát vị hoành...
Bên cạnh đó, bệnh trào ngược dạ dày còn do tình trạng dư thừa axít hay sự quá tải bên trong dạ dày. Tình trạng này xảy ra ở người có bệnh lý dạ dày. Rất nhiều bệnh lý dạ dày là nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản như viêm loét dạ dày, trợt niêm mạc dạ dày, ung thư dạ dày hay hẹp hang môn vị dạ dày...
Do thói quen ăn uống quá no, ăn nhiều thực phẩm khó tiêu (nước có gas, đồ ăn nhanh, trứng, sữa,...).
Một số nguyên nhân khác dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản như thừa cân béo phì gây tăng áp lực lên vùng bụng; mang thai; stress...
3. Trào ngược dạ dày thực quản gây ra biến chứng gì?
Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý phổ biến, không nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, trong trường hợp phát hiện và điều trị muộn, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng trào ngược dạ dày thực quản từ nhẹ đến nặng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Viêm loét, chảy máu thực quản
Dịch dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm loét. Có thể làm người bệnh gặp các triệu chứng như khó nuốt, nuốt đau, đau ngực. Đặc biệt, đau phía sau xương ức khi ăn uống, buồn nôn, ói mửa, mất cảm giác thèm ăn.
Hẹp thực quản
Biến chứng hẹp thực quản xảy ra do tần suất trào ngược tăng cao, làm cho lớp niêm mạc thực quản tiếp xúc nhiều lần với axít dạ dày. Quá trình này tạo nên các vết trợt loét, gây đau rát cổ kể cả khi ăn thức ăn mềm và khó nuốt. Sau đó, các vết loét sẽ phát triển thành mô sẹo. Mô sẹo tích tụ càng nhiều, thực quản càng hẹp, dẫn đến khó nuốt, có cảm giác vướng nghẹn ở cổ, đau ngực…
Viêm đường hô hấp
Khi các thành phẩm trong dạ dày trào ngược lên thực quản vào đường hô hấp gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi, ho kéo dài dẫn đến hen mãn tính và các bệnh lý đường hô hấp khác.
Người bệnh bị ho, khò khè kéo dài nhưng không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các phương pháp điều trị thông thường. Một số bị khàn tiếng do dây thanh quản trong cổ họng bị dày lên. Ngoài ra, người bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm tuyến giáp…
Barett thực quản (tiền ung thư thực quản)
Đây là biến chứng không quá phổ biến nhưng lại rất nguy hiểm. Tình trạng này xảy ra do axít trào ngược làm thay đổi các tế bào trong mô lót thực quản, làm các tế bào này dày và đỏ lên, tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.
Người mắc barrett thực quản có thể xuất hiện các triệu chứng như ợ nóng thường xuyên, khó nuốt khi ăn, đau ngực… Tuy nhiên, nhiều trường hợp mắc biến chứng này không có dấu hiệu đặc trưng mà chỉ có thể phát hiện thông qua nội soi và sinh thiết.
Chỉ có một tỷ lệ phần trăm nhỏ những người bị trào ngược dạ dày thực quản sẽ phát triển thành barett thực quản.
Ung thư thực quản
Biến chứng này thường gặp ở những người trên 50 tuổi và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Ban đầu, bệnh không có triệu chứng rõ ràng, nhưng khi bắt đầu xuất hiện các vấn đề như chảy máu thực quản, những cơn đau dai dẳng và nghiêm trọng, đau sau xương ức, khàn tiếng, sụt cân không rõ nguyên nhân…, cho thấy ung thư đang phát triển.
4. Làm gì để phòng ngừa bệnh?
Để phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên thực hiện một số biện pháp dưới đây.
Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì gây áp lực lên bụng, đẩy dạ dày cao lên và là nguyên nhân khiến axít trào ngược lên thực quản.
Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm giảm khả năng hoạt động của cơ thắt thực quản.
Nâng cao đầu giường: Nếu người bệnh thường xuyên bị ợ nóng trong khi cố gắng ngủ, hãy đặt các khối gỗ hoặc ximăng dưới chân giường để phần đầu được nâng lên từ 15-23cm. Nếu không thể nâng giường lên, người bệnh có thể đặt thêm gối để nâng cơ thể của bạn từ thắt lưng trở lên.
Không nằm xuống ngay sau ăn: Bạn nên đợi ít nhất ba giờ sau khi ăn trước khi nằm hoặc đi ngủ.
Ăn thức ăn từ từ và nhai kỹ: Đặt đũa xuống sau mỗi lần gắp và nhai thức ăn, sau khi nhai hết miếng đó mới tiếp tục gắp thêm thức ăn.
Tránh thực phẩm và đồ uống gây ra trào ngược: Các tác nhân phổ biến bao gồm thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc chiên rán, sốt cà chua, rượu, chocolate, bạc hà, tỏi, hành tây và caffeine.
Tránh quần áo bó sát: Quần áo quá chật gây áp lực lên bụng và cơ thắt thực quản./.
Theo vietnamplus