leftcenterrightdel
 Tiếng ồn là yếu tố môi trường có hại thứ hai đối với sức khỏe, sau ô nhiễm không khí

Nghiên cứu được thực hiện trên gần 2.700 trẻ em từ 7-10 tuổi tại 38 trường học ở Barcelona, Tây Ban Nha. Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của tiếng ồn giao thông đối với sự phát triển nhận thức của trẻ theo thời gian.

Các em được đưa vào nghiên cứu đang trong giai đoạn quan trọng để phát triển trí nhớ và khả năng chú ý, vốn là những kỹ năng cần thiết cho việc học tập. Nghiên cứu cho thấy, trẻ tiếp xúc với giao thông trên đường phố nhiều hơn khoảng 3 lần so với các học sinh khác có trí nhớ phát triển chậm hơn 23%, và khả năng chú ý phát triển chậm hơn 5% trong một năm.

Theo tờ The Guardian, tiếng ồn là yếu tố môi trường có hại thứ hai đối với sức khỏe, sau ô nhiễm không khí, và đã được biết đến là nguyên nhân làm tăng các cơn đau tim và tiểu đường ở người lớn.

Vào tháng Hai năm nay, Liên Hợp Quốc cho biết ô nhiễm tiếng ồn đô thị đang ngày càng trở thành “mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu”, dẫn đến 12.000 ca tử vong sớm mỗi năm chỉ riêng ở các nước thuộc Liên minh châ Âu (EU), và ảnh hưởng đến nhiều thành phố trên thế giới, từ Bangkok đến New York.

Nhưng đến nay, vẫn còn ít nghiên cứu về tác động của tiếng ồn trên đường phố đối với trẻ em. Các nhà khoa học cho biết, nhiều trường học đang bị ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng, và một số biện pháp như phân lại luồng tuyến giao thông theo hướng cách xa trường học có thể giúp giảm tiếng ồn và ô nhiễm không khí.

“Nghiên cứu cho thấy, những tiếng ồn ở mức cao nhất có thể nghe thấy từ trong lớp học, chẳng hạn như tiếng xe tải hoặc xe tiếng xe đang tăng tốc để tránh đèn đỏ khi giao thông, tạo ra nhiều tác động hơn so với tiềng ồn ở mức độ trung bình. Điều này có thể là vì những tiếng ồn này khiến cho trẻ bị chuyển hướng sự chú ý nhiều hơn”, tiến sĩ Maria Foraster - từ Viện Y tế toàn cầu Barcelona, người đứng đầu nhóm nghiên cứu - cho biết.

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, tiếng ồn ở mức độ cao sẽ gây ra nhiều tác hại hơn ở trường học so với ở nhà. “Điều này có thể là do nó ảnh hưởng đến cửa sổ tập trung và quá trình học tập vốn dễ bị chi phối”, tiến sĩ Foraster giải thích.

“Với tình hình đang có nhiều trẻ em sống ở các thành phố lớn bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn giao thông, nghiên cứu này rất có ý nghĩa trong việc điều chỉnh các chính sách công nhằm giảm tiếng ồn giao thông đường bộ gần các trường học”, giáo sư Iroise Dumontheil ở Birkbeck, Đại học London, Anh, nhận xét.

Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí PLOS Medicine, đã theo dõi 4 lần trong một năm khả năng tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể, khả năng ghi nhớ và sử dụng thông tin của trẻ, so với mức độ của tiếng ồn bên trong và ngoài trường học,

“Hai kỹ năng này rất quan trọng đối với việc học tập, và phát triển rất nhanh trong những năm trẻ học tiểu học, đồng thời là nền tảng cho khả năng giải quyết vấn đề, lập luận, toán học và hiểu ngôn ngữ của trẻ”, Foraster cho biết.

Theo The Guaridan, tiếng ồn hiện ảnh hưởng đến một số lượng lớn người dân ở các nước, với ít nhất 20% dân số EU đang phải chịu đựng tiếng ồn giao thông ở mức độ có hại cho sức khỏe. Tỷ lệ này cao hơn nhiều ở các khu vực đô thị.

Theo phunuonline