Thời tiết chuyển mùa, nhiều trẻ bị sốt, ho, lên cơn suyễn… Để tăng cường sức đề kháng, nhiều bà mẹ đã tẩm bổ tổ yến cho con. Tuy nhiên, việc tẩm bổ này không phải bà mẹ nào cũng biết cách, đôi khi còn gây tác dụng ngược.
Tăng cường miễn dịch
Ngồi đợi ở khu khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, chị Trương M.T. - ở quận Bình Tân - dỗ ngọt con gái N.N.L, gần 3 tuổi: “Ăn yến đi con, cái này mắc tiền lắm, quý lắm đó. Con ăn yến là mau hết bệnh, bác sĩ không chích thuốc nghen”. Gần đó, một phụ nữ lớn tuổi đang ôm đứa cháu trai khoảng 4 tuổi ho sù sụ hỏi: “Tui nghe nói ăn yến đỡ ho, ít lên cơn suyễn. Tui cũng tính ráng tiện tặn, mua cho cháu ăn thử mà không biết có hết thiệt không”. Chị N. trả lời: “Con cũng không biết nữa, bé nhà con mới ăn 4 lần. Con cũng hy vọng tẩm bổ yến bé đỡ bệnh hơn”.
|
|
|
Chị Trương M.T. tẩm bổ yến cho con gái với niềm tin giúp trẻ phòng bệnh |
|
Tẩm bổ cho trẻ luôn là đề tài được các bà mẹ quan tâm, nhất là khi thời tiết giao mùa, nhiều trẻ bị bệnh. Chị Nguyễn Quỳnh Lam - ở phường An Phú, quận 2 - cũng băn khoăn khi hai con gái, 8 tuổi và 10 tuổi của chị hay bị sốt, ho, sổ mũi. Chị được nhiều người chỉ dẫn là cho con ăn tổ yến, chưng với hạt sen, táo, gừng, đường phèn sẽ giúp tăng cường đề kháng. Nhưng cũng có người cảnh báo: cho trẻ ăn tổ yến sẽ bị dậy thì sớm, hoặc dễ béo phì… khiến nhiều phụ huynh thấy rối.
Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo - Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết: “Theo nhiều nghiên cứu, yến sào có hàm lượng protein lên tới hơn 50% với sự có mặt của 18 loại a-xít amin. Trong đó, có các a-xít amin thiết yếu tỷ lệ cao là serine (15,4%), valine (10,7%), tyrosine (10,1%) và isoleucine (10,1%)… Rất hữu ích cho cơ thể trong việc sản xuất năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ điều chỉnh chức năng tế bào, xây dựng hệ thống miễn dịch bằng cách sản xuất các loại globulin miễn dịch và kháng thể. Vì vậy, có thể thỉnh thoảng dùng yến sào như một thực phẩm cung cấp chất đạm, tăng cường miễn dịch”.
Dùng sao cho hiệu quả?
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách dùng đúng loại thực phẩm đặc biệt này. Bác sĩ Phương Thảo lưu ý: “Lượng yến bổ sung ở trẻ em khác nhau theo từng độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Không nên cho trẻ dưới 10 tuổi ăn quá 2g yến sào/ngày, và chỉ dùng khoảng 3 lần/tuần. Sau lần trải nghiệm ăn tổ yến đầu tiên (nên dùng lượng ít), hãy quan sát trẻ ít nhất ba ngày. Để tránh thể trạng dị ứng của từng trẻ, nếu trẻ ăn yến trong ba ngày không xuất hiện các triệu chứng dị ứng, có thể tiếp tục cho bé ăn”.
Về nghi vấn “ăn tổ yến có làm trẻ dậy thì sớm”, bác sĩ Phương Thảo khẳng định: “Hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định mối liên quan trực tiếp giữa dậy thì sớm và ăn tổ yến. Các nhà khoa học đã chứng minh, trẻ em dậy thì sớm có thể do ảnh hưởng từ rất nhiều nguyên nhân. Việc ăn tổ yến tẩm bổ phải dựa trên thể trạng từng người, bởi thực tế nhiều trường hợp do ăn không đúng cách hoặc sử dụng quá nhiều đã dẫn đến rối loạn tiêu hóa, béo phì. Vì vậy, nếu trẻ đang có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng trước khi dùng”.
Còn tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Sơn - nguyên giảng viên Trường đại học Y Dược TPHCM - giải thích: Tổ yến nên dùng với những trường hợp trẻ nhỏ ăn uống kém, không hấp thu… Còn với những trẻ ăn uống bình thường, đủ chất thì không nhất thiết phải tẩm bổ yến. Vì nếu tẩm bổ nhiều tổ yến, trẻ có thể dư đạm, dư chất, làm cơ thể phát triển quá nhanh. Có thể bổ sung tổ yến cho trẻ trong giai đoạn bị bệnh, không ăn uống được, hoặc học thi căng thẳng, ăn không ngon.
Để sử dụng yến đúng cách, đông y sĩ Nguyễn Thị Hà (Hội Đông y quận Phú Nhuận), lưu ý: “Yến có rất nhiều dưỡng chất, có tính hàn, là vị thuốc giúp bổ âm, bổ huyết trong đông y. Vì vậy, tiêu chảy mà ăn yến thì rất nguy hiểm, có thể khiến tình trạng nặng hơn. Trẻ đang bị bệnh, bị sốt thì cũng không nên ăn, chỉ nên cho trẻ ăn sau khi hết bệnh để phục hồi cơ thể. Luôn nhớ phải kết hợp thêm gừng để giảm tính hàn của yến”. n
Cách phòng bệnh đơn giản cho trẻ
Thay vì tẩm bổ tổ yến, cha mẹ có thể áp dụng những cách đơn giản sau để phòng bệnh cho con:
- Giữ ấm cơ thể, không để trẻ bị lạnh. Khi trẻ đi ngoài mưa về cần giữ ấm bằng cách: thay đồ ngay, lau khô tóc, thoa dầu, uống nước ấm…
- Giữ vệ sinh mũi, họng cho trẻ, nhất là sau khi đi bên ngoài về. Cụ thể, dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, súc họng.
- Cho trẻ ăn uống đủ các nhóm chất: đạm, tinh bột, chất béo, chất xơ… Cho trẻ uống nhiều nước (hạn chế uống nước ngọt có gas), nên uống thêm nước ép trái cây tươi. Hạn chế cho trẻ uống nước đá, thức ăn lạnh. Với trẻ nhỏ, không nên cho ăn quá no, vì trẻ có thể bị trào ngược dạ dày thực quản.
- Cho trẻ tập thể dục, vui chơi, hoạt động ngoài trời.
- Đặc biệt phải cho trẻ ngủ đủ giấc.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sơnnguyên giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM
|
Theo phụ nữ TPHCM