Sai lầm từ quan niệm “kệ đi, trẻ con  mà!”

Khi con còn nhỏ thích sở hữu nhiều đồ chơi hoặc tham ăn, đa số phụ huynh coi đó là sự phát triển tâm lý tự nhiên của trẻ. Kể từ đó, mỗi lần trẻ đòi hỏi gì, cha mẹ đều chiều theo, nhanh chóng cho qua bằng câu cửa miệng: “Kệ đi, trẻ con mà!”. 

Ở độ tuổi thanh thiếu niên, trẻ vẫn quen được đáp ứng mọi yêu cầu như thế, nếu không như ý sẽ phản ứng bằng thái độ hằn học với cha mẹ và mọi người. Khi cha mẹ nhận ra con mình ích kỷ thì đã muộn màng, nhân cách trẻ đã được hình thành, rất khó thay đổi. 

Tình huống hiện tại của chị P.T.D. (45 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) là một trong số đó. Vợ chồng chị D. mãi mới sinh được con trai nên cưng chiều con từ nhỏ. Con trai út nhà chị tên T., là con cầu con khẩn nên chưa bao giờ bị cha mẹ la mắng. Từ lúc ra đời, T. luôn được cha mẹ ưu ái dành cho những thứ tốt nhất. Ở tuổi mầm non, chỉ cần T. thích món đồ chơi nào là được cha mẹ đáp ứng ngay.

Vợ chồng chị D. luôn giải thích, động viên các con gái cố gắng chiều chuộng em vì sau này em sẽ ở với cha mẹ, phụ trách việc thờ cúng, gánh vác nhiều trách nhiệm. Lúc T. còn nhỏ, mỗi lần cậu bé ăn vạ đòi hỏi, cả nhà đều cười xòa vì cho rằng điều đó thật ngộ nghĩnh, dễ thương. Thế nhưng lên cấp II, T. vẫn giữ nguyên bản tính ích kỷ, thậm chí gây hấn với cha mẹ và bạn bè khi yêu cầu của mình không được đáp ứng. Thái độ đó khiến vợ chồng chị D. vô cùng lo lắng.

Đỉnh điểm là đợt xung đột gần đây, T. đòi cha mẹ cho tiền đi xem phim. Chị D. không đồng ý bởi hôm đó T. có giờ học thêm, thế là cậu bé vùng vằng, gào thét, trách móc cha mẹ rồi bỏ ăn để tỏ thái độ chống đối. Biết cha cưng chiều vì mình là con trai nối dõi, T. còn dọa ngược cha mẹ rằng sau này sẽ không ở chung, cũng không thờ cúng ông bà. Trong nhà, T. không bao giờ chia sẻ đồ đạc với người khác, kể cả với cha mẹ - những người cưng chiều cậu nhất.

Mẹ T. thường xuyên bị cô giáo “mắng vốn” về việc T. tranh giành và đánh bạn. Khi cô giáo phân công làm bài tập nhóm ở lớp, T. tỏ thái độ bất hợp tác vì không được chọn đúng phần việc mình muốn. 

Hiện tại, những trường hợp như T. không hề hiếm. Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM -ngày nào cũng tiếp nhận từ 2-3 ca đến trị liệu do có biểu hiện ích kỷ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự hòa nhập.

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc đang điều trị tâm lý cho một bệnh nhi - ẢNH: T.Đ.
Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc đang điều trị tâm lý cho một bệnh nhi - Ảnh: T.Đ.

 

Sáng 13/2, bác sĩ Thạc khám cho một bé trai lớp Bảy, tên là N.V.Đ. (ngụ quận Tân Bình, TPHCM). Ban đầu, mẹ Đ. tưởng con mình bị chứng giảm chú ý vì Đ. học hành lơ đãng, kém tập trung. Tuy nhiên, khi trò chuyện, quan sát bệnh nhi, bác sĩ Thạc ghi nhận sức tiếp thu và trí tuệ của cậu bé hoàn toàn bình thường đồng thời phát hiện cậu bé quá ích kỷ.

Lúc để Đ. cùng chơi game và trò chuyện với vài bé khác, bác sĩ Thạc thấy cậu giữ khư khư chiếc máy tính bảng của mình, che lại, không muốn các bạn xem. Lúc chơi trò chơi nhóm, phân công vai, Đ. luôn sợ mình bị thiệt thòi hơn các bạn, dùng lời lẽ để cố thu lợi ích về cho mình. Chính vì quá ích kỷ, luôn sợ bị thiệt thòi nên ở lớp, Đ. không hợp tác với cô giáo và bạn bè làm ảnh hưởng tới kết quả học tập. 

Phân biệt duy kỷ và ích kỷ 

Theo bác sĩ Thạc, phụ huynh cần phân biệt rõ thế nào là đòi hỏi ngô nghê theo diễn tiến tâm lý tự nhiên và thế nào là biểu hiện ích kỷ. Trong quá trình phát triển tâm sinh lý của một đứa trẻ, khởi đầu, các bé sẽ có tính duy kỷ. Tính duy kỷ nghĩa là trẻ muốn sở hữu bất cứ đồ vật nào yêu thích. Đơn cử như với một món đồ chơi được đưa cho, trẻ liền mặc định đó là của mình và không cho ai đụng vào. Tính duy kỷ gần giống với ích kỷ, khác ở chỗ đứa trẻ còn quá nhỏ, chưa có nhận thức đúng sai. 

Từ lúc trẻ 2-3 tuổi, cha mẹ cần có phương pháp giáo dục khi con có biểu hiện của tính duy kỷ. Chẳng hạn, nếu con đòi món đồ không phải của mình, cha mẹ sẽ không đáp ứng; lúc con nhận được sự chia sẻ từ người khác thì phải biết nói cảm ơn; lúc làm sai con cần biết nhận lỗi và xin lỗi. Trong giai đoạn đầu đời của trẻ, gia đình thường mắc sai lầm, coi tính duy kỷ của con là sự ngộ nghĩnh, xuề xòa bỏ qua với quan niệm “không sao đâu, trẻ con mà!”.

Bắt đầu từ duy kỷ, trẻ dần trở nên ích kỷ. Độ tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định hình thành nhân cách của trẻ sau này. Nếu lúc đó cha mẹ thiếu sự quan tâm và can thiệp kịp thời thì khi bước sang cấp II, tính ích kỷ đã trở thành một thói quen ở trẻ, muốn thay đổi cũng vô cùng khó khăn.

Một đứa trẻ ích kỷ lớn lên rất dễ bị rối loạn nhân cách, trở nên ngang ngược, hay cãi vã, gây hấn, có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Đứa trẻ đó sau này có nguy cơ bạo hành bạn bè và người thân nếu yêu cầu của mình không được thỏa mãn. Những đứa trẻ ích kỷ rất dễ gây ra bạo lực học đường.

Bên cạnh rối loạn nhân cách, tính ích kỷ còn làm trẻ bị rối loạn hành vi (không cư xử theo chuẩn mực; cự cãi với giáo viên, cha mẹ; khó tiếp thu khi được dạy dỗ). Hậu quả cuối cùng là trẻ ích kỷ rất khó hòa nhập với cộng đồng; bị mọi người xa lánh, cô lập. 

Phòng tránh và can thiệp 

Muốn phòng tránh tính ích kỷ nơi trẻ, trước tiên, cha mẹ phải làm gương. Hãy lan tỏa cho con tinh thần chia sẻ, biết quan tâm tới người xung quanh từ lúc trẻ còn nhỏ. Khi thấy cha mẹ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc nhau, trẻ cũng sẽ noi theo. Như vậy, nền tảng gia đình hết sức quan trọng trong việc giáo dục và hình thành nhân cách trẻ. 

Ngoài ra, phụ huynh cần công bằng trong cách hành xử với các con. Chẳng hạn, nếu 2 chị em tranh giành nhau một món đồ, người mẹ cần giải thích cho chị hiểu tại sao phải nhường em nhưng cũng cần khuyên em không được đành hanh với chị. Một khi cha mẹ không công bằng, đứa trẻ sẽ bất an, thiếu tin tưởng, dẫn tới khuynh hướng tâm lý phòng thủ, giành giật để mình khỏi bị thiệt thòi.

Ngoài ra, cha mẹ cần luôn nhớ và hành động theo phương châm: “Chỉ cho con thứ con cần chứ không cho thứ con muốn”. Việc cha mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của con cái, lâu dần sẽ khiến trẻ mặc định đó là việc hiển nhiên. Nếu không được như ý, trẻ sẽ trách móc, oán hận cha mẹ. 

Khi thấy trẻ có biểu hiện ích kỷ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới các mối quan hệ trong cuộc sống, phụ huynh cần đưa con tới tham vấn chuyên gia tâm lý. Lúc đó, bác sĩ/chuyên gia tâm lý sẽ có các phương pháp trị liệu thích hợp với từng trẻ để đạt được hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, muốn đạt được kết quả điều trị tốt, quan trọng nhất vẫn cần sự phối hợp từ phụ huynh và gia đình bệnh nhi.

Thực tế cho thấy nhiều phụ huynh đã tự ái vì nghe bác sĩ nói con mình bất thường. Họ có khuynh hướng phản ứng và luôn cho rằng mình đang giáo dục, nuôi dạy con rất tốt, đứa trẻ hoàn toàn bình thường và ngoan. Với những trường hợp phụ huynh quá gay gắt, bác sĩ chỉ có thể tập trung trị liệu cho đứa trẻ và đây cũng chỉ là cách giải quyết phần ngọn. 

Theo phụ nữ TPHCM