Mới đây, Merriam-Webster - từ điển tiếng Anh trực tuyến uy tín nhất của Mỹ - đã chọn “gaslighting - thao túng tâm lý” là từ vựng nổi bật nhất trong năm 2022. Đội ngũ biên soạn giải thích: “Trong thời đại thông tin sai lệch của tin tức giả, thuyết âm mưu, trò chơi khăm trên mạng xã hội và tội phạm giả mạo, thao túng tâm lý đã nổi lên như 1 từ vựng được quan tâm nhiều nhất”.
|
|
Quá trình thao túng tâm lý khiến nạn nhân dần mất niềm tin vào chính bản thân mình, trở nên phụ thuộc vào kẻ thao túng - Ảnh: Istock |
Họ định nghĩa thao túng tâm lý là: “Hành động hoặc phương pháp nhằm đánh lừa 1 người nào đó có chủ đích, đặc biệt là vì lợi ích cá nhân”. Thao túng tâm lý gần như là sự giao thoa giữa lời nói dối và lừa đảo. Nếu thành công trong việc thao túng tâm lý, thủ phạm có thể cách ly nạn nhân khỏi xã hội, thậm chí bao gồm các mối quan hệ thân thiết nhất của họ, đến mức nạn nhân tin rằng kẻ thao túng là người duy nhất mà họ có thể tin tưởng.
Từ “thao túng tâm lý” thường được sử dụng khi truyền thông bình luận về hành vi của các chính trị gia. Trong tâm lý học, “thao túng tâm lý” được định nghĩa là 1 loại lạm dụng khiến nạn nhân trở nên nghi ngờ về nhận thức của chính họ. Nó cũng thường xuyên xuất hiện trong văn hóa đại chúng, như trường hợp của ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc Lee Seung Gi. Trong suốt 18 năm kể từ khi ra mắt, anh chưa bao giờ nhận bất kỳ khoản tiền nào từ công ty như thù lao cho hoạt động ca hát.
Theo trang Dispatch, nhân viên công ty chủ quản của nam ca sĩ đã thao túng tâm lý Seung Gi về lợi nhuận âm nhạc của chính anh. Điển hình như vào tháng 6/2021, 1 nhân viên công ty bình luận: “Seung Gi! Tôi không muốn nói những điều như thế này, nhưng... anh là 1 ca sĩ tệ đến mức thù lao không đủ bù chi phí”.
Trong các mối quan hệ, đặc biệt là những mối quan hệ tình cảm hoặc thân quen, quá trình thao túng tâm lý phát triển dần qua năm tháng, với việc thủ phạm chiếm lòng tin của nạn nhân bằng cách dành cho họ những cử chỉ lãng mạn, thân thiết. Thời gian trôi qua, kẻ thao túng có xu hướng dùng những lời nói và hành động khiến nạn nhân cảm thấy bản thân họ không đáng tin cậy, hay quên và phụ thuộc vào người khác. Khi đó, nạn nhân nghi ngờ về sức khỏe tinh thần của mình và dần tách biệt khỏi hệ thống quan hệ xã hội nào có thể hỗ trợ họ.
Kẻ xấu dùng nhiều cách, thường gặp nhất là đặt câu hỏi về trí nhớ của nạn nhân như: “Anh không nghĩ là em nhớ chuyện gì đã xảy ra?”, “Bạn có chắc về điều đó không?” hay “Tất cả chỉ do bạn tưởng tượng”. Thủ phạm cũng có xu hướng phủ nhận trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho nạn nhân về những tình huống dẫn đến sai lầm. Ngoài ra, kẻ thao túng còn có thể sử dụng định kiến tiêu cực để hạ thấp lòng tự trọng của họ.
Đây là vấn đề nghiêm trọng có thể khó nhận ra, đặc biệt là khi nạn nhân và người thao túng có quan hệ thân thiết. Cô Raquel Tomé López - nhà trị liệu tâm lý và bác sĩ thần kinh tại Tây Ban Nha - chia sẻ: “Theo sau việc thao túng, nạn nhân bắt đầu nghi ngờ thực tế, từ đó có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm, tự ti, mất phương hướng, xuất hiện ý nghĩ tự tử và sợ hãi quá mức. Tình trạng này có thể xảy ra ngay trong gia đình, giữa vợ chồng hoặc giữa cha mẹ và con cái”.
Theo phụ nữ TPHCM