Tạp chí Forbes của Mỹ dẫn lại các ý chính trong bài viết vừa được đăng trên blog của tỉ phú công nghệ Bill Gates vào thứ Ba ngày 21/3 vừa qua. Theo đó, ông Gates đã gọi trí tuệ nhân tạo (AI) là “tiến bộ quan trọng nhất” trong lịch sử phát triển công nghệ của loài người, sau thời đại của máy tính và điện thoại thông minh.

Nhân viên y tế Rhonda O'Keefe thực hiện siêu âm tim cho người bệnh, trong khi bác sĩ tim mạch Angus Baumann quan sát – Ảnh: ABC
Nhân viên y tế Rhonda O'Keefe thực hiện siêu âm tim cho người bệnh, trong khi bác sĩ tim mạch Angus Baumann quan sát – Ảnh: ABC

Theo đó, trong bài viết, vị cựu Giám đốc điều hành của Tập đoàn Microsoft dự đoán AI sẽ nâng cao sự sáng tạo của con người trong nhiều lĩnh vực, giúp cải thiện tình trạng chênh lệch giàu nghèo ở nhiều quốc gia.

Vị tỉ phú công nghệ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực y tế, dành riêng một mục để viết về tác động của AI đến ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ông Gates cho biết, AI có thể giúp con người xử lý lượng dữ liệu khổng lồ và phức tạp trong lĩnh vực y sinh, qua đó giúp con người đối phó bệnh tật và phát triển các loại thuốc mới.

Ông Bill Gates có đề cập đến vai trò của AI trong việc giúp các nhân viên y tế khám và chữa bệnh. Khả năng này được minh chứng trong bài báo gần đây của đài ABC ở Úc, đưa tin về việc AI giúp tầm soát bệnh tim mạch cho những người bệnh ở vùng hẻo lánh của xứ sở Kangaroo.

Bài báo dẫn lời bác sĩ Rhonda O'Keefe ở Bệnh viện Alice Springs, kể lại quá trình cô thực hiện siêu âm tim cho một bệnh nhân, dù cô chưa được đào tạo bài bản cho công việc này. Cô O'Keefe đã được một phần mềm AI hướng dẫn đầy đủ các thao tác với thiết bị chuyên dụng để thực hiện siêu âm tim.

Cô O'Keefe cho biết: “Thật khó để chụp được một bức ảnh siêu âm tim đúng chuẩn. Tôi đang cố gắng đạt được kỹ thuật tốt nhất bằng cách sử dụng tay xoay thiết bị vào đúng vị trí tim”. Chỉ trong 2 tuần, cô O'Keefe đã chụp được những bức ảnh siêu âm mà các bác sĩ tim mạch có thể dùng để chẩn đoán.

Bác sĩ Baumann, bác sĩ chuyên khoa tim mạch toàn thời gian duy nhất tại Bệnh viện Alice Springs, người theo dõi quá trình đào tạo của cô O'Keefe, cho biết, bản thân ông đã phải mất nhiều tháng thực hành để chụp được ảnh siêu âm tim, dù ông đã chuyên làm việc trong lĩnh vực này sau nhiều năm học ở trường y.

Ông Baumann nhận định: “Với công nghệ này, ai cũng có thể chụp được ảnh siêu âm dùng để chẩn đoán bệnh tim, thậm chí từ lần thử đầu tiên”. Công nghệ tương tự đang được Viện Tim mạch và Tiểu đường Baker thử nghiệm tại 5 địa điểm khác nhau trên khắp nước Úc, với sự hợp tác của các nhóm chăm sóc sức khỏe cộng đồng dành cho cư dân bản địa.

Tương tự, báo Straits Times của Singapore có bài viết, nội dung giới thiệu công nghệ AI có thể giúp phát hiện sớm ung thư đại trực tràng. Bác sĩ Frederick Koh, bác sĩ chuyên phẫu thuật đại trực tràng, cho biết những hình ảnh nội soi, với sự hỗ trợ của AI, rõ ràng và chính xác hơn, giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh sớm hơn.

Bác sĩ Frederick Koh, hiện đảm trách cả vai trò chuyên gia tư vấn tại Khoa Phẫu thuật Đại trực tràng của Bệnh viện Đa khoa Sengkang chia sẻ về phương pháp nội soi đại tràng có sự hỗ trợ của AI, ngày càng được các chuyên gia nội soi sử dụng trên toàn thế giới vì nó giúp tăng tỷ lệ phát hiện tế bào phát triển bất thường do tổn thương đại tràng.

Ông Koh cho biết, Bệnh viện Đa khoa Sengkang là một trong những đơn vị đầu tiên ở Singapore áp dụng thiết bị nội soi có sự hỗ trợ của công nghệ AI. Theo đó, trong quá trình nội soi, phần mềm AI hoạt động như một người quan sát thứ 2 và làm nổi bật những dấu vết bất thường trong thời gian thực, có thể không được chú ý bởi mắt người.

Khả năng của AI giúp người bệnh tầm soát ung thư đã không còn là điều xa lạ. Trước đó, trang chuyên đề sức khỏe Healthline đã dẫn lời Bác sĩ Jin Mo Goo, chuyên gia ngành X quang của Bệnh viện Đại học Quốc gia Seul ở Hàn Quốc, giới thiệu kết quả nghiên cứu chứng minh AI có thể giúp tầm soát ung thư phổi.

Công nghệ AI cũng có thể giúp tầm soát bệnh tiểu đường, thông qua việc phát hiện các dấu vết trên nhãn cầu. Trang West Australian có bản tin độc quyền, giới thiệu nghiên cứu cho thấy AI có thể “làm thay” các bác sĩ nhãn khoa trong phát hiện dấu hiệu bệnh tật...

Trung tâm Y tế của Đại học Kansas gần đây đã triển khai một ứng dụng AI tổng quát cho hơn 140 bệnh viện, nhằm ghi lại âm thanh trong các cuộc phỏng vấn bệnh nhân, sau đó tổng hợp lại các yếu tố quan trọng để tự động thành lập hồ sơ y tế của bệnh nhân.

Đại diện của Google cho biết, công ty đang hợp tác với các đối tác như Bệnh viện Mayo Clinic để xác thực AI có thể tự động hóa một phần quy trình lập kế hoạch xạ trị cho bệnh ung thư, giúp tầm soát bệnh ung thư vú từ giai đoạn đầu hoặc cung cấp dữ liệu quan trọng về thai sản.

Theo phụ nữ TPHCM