leftcenterrightdel
 Trừng phạt thân thể trẻ em đang có xu hướng gia tăng ở Anh - Ảnh: Aulich

NSPCC - một tổ chức từ thiện của Anh đang vận hành đường dây bảo vệ trẻ em – mới đây đã lên tiếng về việc trẻ em nước này bị bạo hành về thể chất "có xu hướng tăng cao một cách đáng lo ngại”.

Theo đó, số cuộc gọi và email gửi đến đường dây trợ giúp có liên quan đến việc trẻ em bị trừng phạt thân thể (như đánh đập, tát,...) tăng từ 447 trường hợp tính từ tháng 3 đến tháng 12/2023 lên đến 1.451 trường hợp từ tháng 1 đến tháng 7/2024.

Phần lớn các cuộc gọi đến từ những người dân trong cộng đồng chứng kiến hành vi bạo hành trẻ em của cha mẹ nên đã gọi để báo cáo. Ngoài ra, cứ 10 cuộc gọi thì có 1 cuộc gọi do chính trẻ em thực hiện.

Một nhân chứng kể lại với nhân viên tổng đài về việc tận mắt chứng kiến một người bố đánh vào mông cậu con trai 3 tuổi của mình khi anh đến thăm nhà.

"Thằng bé khóc, tỏ ra hoảng loạn và trốn trong phòng một mình trong suốt thời gian tôi ở đó. Còn ông bố thì trấn an tôi về việc sẽ không có vấn đề gì bởi anh ta không để lại dấu vết nào trên thân thể đứa trẻ”.

Ông Peter Wanless, Giám đốc điều hành tại NSPCC, mô tả sự gia tăng tình trạng bạo lực thân thể đối với trẻ em ở Anh là “rất đáng lo ngại”.

Ông kêu gọi chính phủ Anh cần sớm có sự thay đổi về luật để bảo vệ trẻ em được tốt hơn, bởi luật hiện hành đang tạo ra “vùng xám” cho phép người lớn có cơ hội bào chữa, bao biện cho hành vi bạo hành thân thể trẻ em với cái gọi là “hình phạt hợp lý”.

Trẻ em vẫn đang bị trừng phạt thân thể trên khắp thế giới

leftcenterrightdel
 Nhiều quốc gia vẫn chưa cấm hoàn toàn việc trừng phạt thân thể trẻ em - Ảnh: Family Central Singapore

Theo một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), gần 300 triệu trẻ em trên khắp thế giới trong độ tuổi từ 2 đến 4 tuổi từng phải nhận một hình thức trừng phạt thân thể nào đó từ bố mẹ và người chăm sóc.

Các hình thức trừng phạt thân thể bao gồm phát vào mông, đánh vào tay hay một bộ phận trên cơ thể bằng những vật dụng như roi, gậy… Nhiều trường hợp còn kết hợp giữa trừng phạt thân thể và trừng phạt tinh thần như mắng mỏ, khiển trách.

Đến nay, có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thông qua các điều luật bảo vệ trẻ em, trong đó, cấm hoàn toàn việc trừng phạt thân thể đối với trẻ em tại gia đình.

Tại Mỹ, trừng phạt thân thể tại gia đình vẫn được luật pháp chấp nhận ở tất cả các bang.

Theo bà Claudia Cappa, chuyên gia của UNICEF, phần lớn các nước không thực sự cấm việc trừng phạt thân thể, và chỉ có 9% trẻ em dưới 5 tuổi đang sống ở các quốc gia mà việc trừng phạt thân thể tại gia đình bị cấm hoàn toàn.

Điều này có nghĩa, hơn 600 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang lớn lên tại các quốc gia nơi những điều luật trên không tồn tại.

Theo phụ nữ TPHCM