Theo các chuyên gia, kể cả khi có bùng nổ dân số trong năm Thìn, cũng không thể giải quyết việc khủng hoảng sinh sản kéo dài nhiều năm qua.
Phần lớn người Trung Quốc có xu hướng sinh con vào những năm Rồng, vì những người sinh ra dưới cung hoàng đạo này được cho là có những đặc điểm đáng mơ ước như thông minh, khả năng lãnh đạo và vận may.
|
|
Nhiều cặp vợ chồng trẻ Trung Quốc ngại có con vì sợ gánh nặng kinh tế |
Tỉ lệ sinh của Trung Quốc trong năm Thìn vừa qua, năm 2012, đã tăng từ 13,27% năm 2011 lên 14,57%, trước khi giảm xuống 13,03% vào năm 2013.
Các chuyên gia cho biết hy vọng sẽ có thêm nhiều em bé hơn trong năm nay, từ các cặp vợ chồng trì hoãn việc kết hôn hoặc sinh con trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên kỳ vọng lần này không cao.
Mu Zheng, nhà xã hội học nghiên cứu về khả năng sinh sản của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: "Đúng, tôi nghĩ có thể có tăng, nhưng vừa phải. Việc sinh con vẫn là một quyết định lớn, cần phải cân nhắc kỹ càng. Ý nghĩa tốt lành của năm con Rồng có thể thúc đẩy những người có ý định sinh con nhưng có thể cũng không hiệu quả lắm".
Tia sáng năm Thìn sẽ không đủ để đảo ngược tình trạng trượt dốc nhanh chóng về tỉ lệ sinh của Trung Quốc, điều mà các nhà lãnh đạo nước này đã cố gắng ngăn chặn bằng các chính sách khuyến khích, từ kéo dài thời gian nghỉ thai sản đến thưởng tiền mặt.
Tỉ lệ sinh giảm mạnh khiến năm 2023, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Số liệu thống kê được công bố vào tháng 1/2024 cho thấy dân số Trung Quốc tiếp tục giảm. Số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh là 2 triệu vào năm 2023, với chỉ 9 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra ở đất nước 1,4 tỉ dân.
Tổng tỉ suất sinh của nước này hiện được ước tính là khoảng 1,0, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Không riêng Trung Quốc, cuộc khủng hoảng sinh sản cũng đang gây khó khăn cho các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản, những quốc gia có tổng tỉ suất sinh dao động từ 0,72 đến 1,26.
Tỉ lệ sinh năm 2023 của Trung Quốc chỉ là 6,39%, mức thấp kỷ lục kể từ khi thành lập nước này vào năm 1949.
Dân số suy giảm sẽ đặt ra thách thức đối với tăng trưởng kinh tế, đặc biệt khi Trung Quốc chuyển trọng tâm sang đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước, biến nó thành động lực kinh tế quan trọng.
Theo phụ nữ TPHCM