|
|
Tỷ lệ sinh sụt giảm sẽ để lại hậu quả kinh tế lâu dài. (Ảnh: Getty Images |
Tình trạng thiếu hụt trẻ em ở Úc có thể dễ dàng nhận thấy ở các thành phố lớn của đất nước này. Trong ba tháng đầu năm 2023, số ca sinh tại các cơ sở y tế công cộng ở bang New South Wales chạm mức thấp nhất kể từ khi bang này bắt đầu theo dõi tỷ lệ sinh cách đây 13 năm.
Theo thống kê của thành phố Melbourne, tỷ lệ sinh giảm xuống 0,66 vào năm 2021 – một con số quá nhỏ so mức sinh thay thế cần thiết cho dân số ổn định là 2,1. Ở thành phố Sydney, số lượng bà mẹ dưới 35 tuổi ngày càng hiếm, với gần một nửa số phụ nữ trong độ tuổi 30-34 ở đây chưa từng sinh con.
Các yếu tố cá nhân ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định sinh con bao gồm trình độ học vấn, nghề nghiệp và hoàn cảnh tài chính. Các điều kiện kinh tế, đặc biệt là sự ổn định của thị trường lao động, cũng như các chuẩn mực và kỳ vọng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng.
Nhưng sự sụt giảm tỷ lệ sinh gần đây cũng là một hồi chuông cảnh báo về những thách thức mà những người lao động trẻ phải đối mặt ở thời điểm hiện tại: chi phí nhà ở cao, tiền lương thực tế giảm, công việc bấp bênh và nợ học phí, tất cả đã khiến quyết định có con trở nên khó khăn hơn.
Tỷ lệ sinh giảm sẽ gây ra những hậu quả kinh tế lâu dài. Điều này thể hiện rõ ràng nhất là khi tỷ lệ lao động trẻ so với người hưu trí thấp hơn, chính phủ sẽ đối mặt với áp lực nặng nề trong việc cung cấp các dịch vụ phúc lợi và y tế.
Một báo cáo đặc biệt trên tờ The Economist gần đây đã chỉ ra rằng dân số già có xu hướng ít dám nghĩ dám làm và ngại rủi ro hơn - điều này có nguy cơ cản trở sự đổi mới và tăng trưởng năng suất.
"Hạn hán" trẻ sơ sinh ở Úc là một phần của xu hướng toàn cầu.
Một người phụ nữ bế con gái nhìn quang cảnh Seoul năm 2019. Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc, quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, đạt 0,78 vào tháng Hai. (Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)
Hàn Quốc ghi nhận tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới trong năm 2022, ở mức 0.78%, giảm so với mức 0,81 một năm trước đó. Trong đó, thủ đô Seoul có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước, ở mức 0,59%.
Trong khi đó, dân số nước này lại đang già đi nhanh chóng, đi kèm với đó là sự gia tăng các cơ sở chăm sóc người già và sụt giảm các cơ sở chăm sóc trẻ. Chính quyền Hàn Quốc cho biết, số lượng cơ sở dành cho người cao tuổi đã bùng nổ từ 76,000 vào năm 2017 lên 89,643 vào năm 2022.
Hàn Quốc đang đối mặt với những rủi ro dài hạn do suy giảm quy mô lực lượng lao động, trong khi chi tiêu phúc lợi cho dân số già đang làm cạn kiệt ngân sách quốc gia mà lẽ ra có thể được sử dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey trong ngày 10/7 cũng nhấn mạnh dân số già của Anh đang đặt ra mối đe dọa lâu dài đối với nền kinh tế và sẽ ảnh hưởng đến lãi suất trong nhiều thập kỷ tới.
Chính phủ Nhât Bản gần đây cũng công bố số hộ gia đình có trẻ em ở Nhật Bản lần đầu tiên giảm xuống dưới 10 triệu vào năm 2022 kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 1986. Trong đó, số hộ gia đình có trẻ em dưới 18 tuổi ở mức 9,917 triệu, giảm 3,4 điểm phần trăm so với dữ liệu năm 2019, xuống mức thấp kỷ lục là 18,3%.