leftcenterrightdel
 Vaccine điều trị ung thư gan mở ra cơ hội kéo dài sự sống cho người bệnh. Ảnh minh hoa: Freepik.

Trong các loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao, ung thư gan xếp hạng đầu với 92%, cao hơn rất nhiều so với ung thư vú hay lao phổi. Bệnh này xuất hiện nhiều ở các nước châu Á, trong 100.000 dân có 8 người bị.

Việt Nam cũng không ngoại lệ, ung thư gan đang là gánh nặng lớn với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong tăng cao trong những năm gần đây, dự báo sẽ còn tăng trong tương lai.

Gánh nặng ung thư gan

Thông tin trên được PGS.TS Đào Y Doãn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh gan của trường Đại học Y khoa Johns Hopkins (Mỹ), cho biết tại hội nghị khoa học kỹ thuật lần thứ 40 của trường Đại học Y Dược TP.HCM.

Theo ông Doãn, qua nhiều nghiên cứu thấy rằng nếu tăng tỷ lệ chẩn đoán ung thư gan sớm lên 95%, hay phương pháp chữa trị hiệu quả được nâng lên 95% thì tỷ lệ người bệnh sống sau 5 năm vẫn rất thấp, chỉ 27%. Điều này cho thấy tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư gan còn rất cao. Tuy nhiên, việc tầm soát phát hiện ung thư sớm vẫn rất cần thiết, để cải thiện tỷ lệ sống cho người bệnh.

Đối với người bệnh ung thư gan ở giai đoạn tiến triển, những loại thuốc điều trị mới nhất trên thị trường vẫn không thể đáp ứng được. Họ thường tử vong trong vòng 6-18 tháng, sau khi được chẩn đoán.

PGS Doãn cho hay ở Việt Nam, có 70% ca ung thư gan là do nhiễm virus viêm gan B mạn tính (HBV). Bên cạnh đó, đa số các trường hợp ung thư gan ở nước ta được chẩn đoán vào giai đoạn có triệu chứng nặng. Do đó, bệnh lý này vẫn đang là một thách thức lớn với ngành y tế Việt Nam.

Để giảm gánh nặng này, chiến lược tối ưu được chuyên gia đưa ra là loại bỏ virus viêm gan B và thúc đẩy nghiên cứu các phương pháp phát hiện sớm ung thư.

Tìm cơ hội sống cho người bệnh

Song song việc tầm soát và điều trị sớm cho những trường hợp nguy cơ, các bác sĩ và nhà nghiên cứu khoa học luôn tìm hướng đi để điều trị tốt nhất cho những người bị ung thư gan.

Theo PGS Đào Y Doãn, một nhóm các nhà khoa học của trường Đại học Y khoa Johns Hopkins đang thực hiện nghiên cứu vaccine điều trị ung thư gan. Loại vaccine này dùng để khống chế và kiểm soát tế bào ung thư, tiến đến loại bỏ nó ra khỏi cơ thể.

leftcenterrightdel
PGS.TS Đào Y Doãn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh gan của trường Đại học Y khoa Johns Hopkins (Mỹ) chia sẻ về nghiên cứu vaccine điều trị ung thư gan. Ảnh:UMC.  

Khi một người bị ung thư, hệ miễn dịch sẽ phát hiện tế bào ung thư và chống lại, một số người chống thành công, một số người thì không. Vaccine sẽ đóng vai trò kích thích hệ miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư.

Vaccine được điều chế dựa trên chính cơ địa của người bị ung thư. Tức là, các nhà nghiên cứu sẽ lấy kháng nguyên từ khối u của bệnh nhân, tách chiết rồi truyền trở lại cho họ giúp tạo kháng thể tiêu diệt tế bào ung thư.

PGS Doãn cho biết kết quả nghiên cứu ở giai đoạn 2a, ghi nhận 8/34 bệnh nhân đáp ứng toàn phần sau khi sử dụng vaccine. Nghiên cứu đang tiếp tục được thực hiện ở giai đoạn 2b, mở rộng thành chương trình nghiên cứu đa quốc gia và đa trung tâm.

“Vaccine giúp người bệnh ung thư gan có một sự chọn lựa mới, một tia hy vọng mới. Chúng tôi mong muốn sẽ phối hợp với Việt Nam để cùng tham gia nghiên cứu, đưa vaccine từ Đại học Y khoa Johns Hopkins về đây”, PGS Doãn nói.

Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn các chuyên gia trong nước phối hợp với chuyên gia quốc tế để đưa những thành tựu nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Từ đó mang lại lợi ích bền vững cho ngành y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Theo lifestyle.znews