Chị Christine Chen, 45 tuổi, sống tại Singapore, bắt đầu ho và mất tiếng trong bốn tuần. Ban đầu, chị được bác sĩ cho uống thuốc kháng sinh để điều trị vì nghi ngờ bị nhiễm trùng phổi. Tuy nhiên, Christine Chen vẫn không ngừng ho và bắt đầu cảm thấy khó thở khi đi bộ hoặc tập thể dục. Christine Chen cho biết bản thân không nghĩ rằng mình bị bệnh ung thư phổi bởi gia đình không có tiền sử mắc căn bệnh quái ác này, bản thân không bao giờ hút thuốc và không thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc.

Christine Chen tiếp tục tới gặp bác sĩ, thực hiện chụp X-quang. Phim chụp cho thấy cả hai bên phổi đều có nhiều đốm trắng. Sau đó, bác sĩ chỉ định thực hiện chụp CT (chụp cắt lớp vi tính lồng ngực), phổi không chỉ có khối u mà chúng còn lan rộng ra các hạch bạch huyết và có dịch. Nội soi phế quản và sinh thiết phổi xác nhận Christine bị ung thư giai đoạn 4, đã lan ra cả phổi, màng phổi và các hạch bạch huyết.

[Caption]. Ảnh: Asia One

Ung thư phổi không chỉ xảy ra ở những người nghiện hút thuốc. Ảnh: Asia One

Tiến sĩ Ang Mei Kim, chuyên gia tư vấn cao cấp của Khoa Ung thư tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore (NCCS), một thành viên của nhóm SingHealth, cho biết Christine Chen không phải là bệnh nhân duy nhất chưa bao giờ hút thuốc nhưng lại mắc ung thư phổi. Một nghiên cứu tại NCCS chỉ ra ba trong số 10 bệnh nhân ung thư phổi ở đây không bao giờ hút thuốc và tỷ lệ mắc căn bệnh này đang tăng lên. 

Hơn một nửa số người không bao giờ hút thuốc ở NCCS thường được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn tiến triển (giai đoạn 3 hoặc 4). Theo tiến sĩ Ang, bệnh nhân ở giai đoạn đầu có rất ít dấu hiệu nhận biện. Các triệu chứng thông thường tại thời điểm chẩn đoán ung thư phổi là ho, máu trong đờm, đau ngực, khó thở và giảm cân. Nghiên cứu tại NCCS chỉ ra rằng phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nam giới, vì 70% những người không bao giờ hút thuốc bị ung thư phổi là phái đẹp. Thống kê này còn được so sánh với số liệu trên toàn cầu và cho thấy phụ nữ không hút thuốc ở châu Á dễ bị ung thư phổi hơn so với các nước phương Tây. Hơn 4% phụ nữ Trung Quốc ở Singapore hút thuốc. Quốc đảo này có tỷ lệ nữ giới mắc ung thư phổi cao hơn (21,3 trường hợp trên 100.000 nữ) so với các nước khác như Đức và Italy - nơi 1/5 số phụ nữ của cả nước hút thuốc.

Tiến sĩ Ang chia sẻ việc tiếp xúc với khói thuốc tại nhà hoặc nơi làm việc là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi ở những người không bao giờ hút thuốc, làm tăng 25% nguy cơ nhiễm bệnh. Một yếu tố rủi ro khác là các chất ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khí radon (khí hiếm phóng xạ không màu, không mùi, là sản phẩm phân rã của radium). Các nghiên cứu dân số ở Trung Quốc cho thấy đốt than và sinh khối (dạng vật liệu sinh học từ sự sống, hay gần đây là sinh vật sống, đa số là các cây trồng hay vật liệu có nguồn gốc từ thực vật), đặc biệt là ở những khu vực thông gió kém để nấu nướng và sưởi ấm, cũng có thể làm tăng nguy cơ. Một số người không bao giờ hút thuốc nhưng lại mắc ung thư liên quan tới một số gen nhất định, hoặc những thay đổi xảy ra trong gen. Những trường hợp này vẫn tiếp tục được các chuyên gia nghiên cứu.

Tuy nhiên, phụ nữ châu Á không bao giờ hút thuốc bị ung thư phổi có tỷ lệ sống sót cao hơn người hút thuốc. Bác sĩ Ang cho biết có hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và không phải tế bào nhỏ. Việc chẩn đoán dựa trên kiểm tra bằng kính hiển vi của sinh thiết phổi. Ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm 10% tất cả bệnh ung thư phổi, phát triển nhanh và lây lan sớm hơn đến các cơ quan khác và được tìm thấy hầu như ở những người hút thuốc. Ngược lại, ung thư phổi không phải tế bào nhỏ phát triển chậm hơn, thường lưu lại trong phổi một thời gian dài, khiến cơ hội sống sót của người bệnh được nâng cao.

Ung thư phổi có thể tấn công bất cứ người nào nên tiến sĩ Ang Mei Kim khuyên mọi người nên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ảnh: Med Page Today

Ung thư phổi có thể "tấn công" bất cứ người nào nên tiến sĩ Ang Mei Kim khuyên mọi người "nên phòng bệnh hơn chữa bệnh". Ảnh: Med Page Today

Nhìn chung, ung thư có nhiều thay đổi hoặc đột biến gen, thúc đẩy sự phát triển và lan rộng của các tế bào ác tính trong cơ thể. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và kỹ thuật hiện đại, ngày càng có nhiều phương pháp mới được thử nghiệm, ứng dụng trong điều trị bệnh ung thư phổi như liệu pháp điều trị trúng đích. Khi những thuốc này được dùng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn tiến triển, chúng có thể ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của các tế bào ác tính hiệu quả hơn hóa trị. Tiến sĩ Ang nói: "Các nghiên cứu cho thấy những người không hút thuốc có sự thay đổi gen trong tế bào ung thư phổi khác so với người hút thuốc. Điều này có thể khiến các tế bào ung thư phổi của họ phản ứng nhanh hơn với phương pháp điều trị nhắm mục tiêu so với người hút thuốc, dẫn tới khả năng sống sót cao hơn".

Tiến sĩ Ang khẳng định những người hút và không bao giờ hút thuốc trải qua quá trình điều trị ung thư phổi tương tự, tùy thuộc vào loại ung thư và giai đoạn họ mắc phải. Trong giai đoạn một và hai của ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, các bác sĩ thường thực hiện phẫu thuật để loại bỏ tế bào ác tính. Hóa trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát và cải thiện tỷ lệ sống. Trong khi đó, ung thư phổi không phải tế bào nhỏ ở giai đoạn 3, bệnh nhân sẽ được kết hợp giữa hóa trị và xạ trị. Ở giai đoạn 4, khi các tế bào ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể, có thể sử dụng hóa trị và phương pháp điều trị nhắm mục tiêu.

Tuy nhiên, tiến sĩ Ang khuyên mọi người "phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh". Mọi người nên từ bỏ hẳn việc hút thuốc, tránh tiếp xúc thường xuyên, lâu dài với khói thuốc. Cuối cùng, nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh như tập thể dục cũng giúp giảm nguy cơ mắc ung thư.

 

Theo vnexpress