leftcenterrightdel
 Áp lực tài chính gia tăng đang ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ trầm cảm của mỗi người 

Theo báo cáo của các chuyên gia Úc, số vụ tự tử ở New South Wales và Victoria đã tăng 10% từ tháng Giêng đến tháng Chín năm nay, trung bình có khoảng 35 người tự chọn cách từ giã cõi đời mỗi tuần.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Phòng chống Tự tử Úc (SPA), căng thẳng tài chính do nợ cá nhân và chi phí sinh hoạt tăng cao là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến áp lực. Xu hướng bi kịch này phù hợp với nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tự tử có thể đạt đỉnh từ 2-3 năm sau của một cuộc khủng hoảng.

Nhìn chung, 71% người Úc cho biết họ cảm thấy đau khổ hơn vào tháng 11/2022 so với cùng thời điểm năm trước.

Người Úc ở độ tuổi trung niên và có mức lương trung bình có nhiều khả năng cảm thấy bị căng thẳng, mệt mỏi nhất. Do tình trạng mất khả năng tiếp cận nhà ở và không còn khả năng chi trả khiến gánh nặng kinh tế kéo theo sự khủng hoảng đánh vào tâm trí mọi người.

Ngoài ra, căng thẳng trong gia đình và các mối quan hệ tan vỡ và sự cô lập với xã hội là những nguyên nhân hàng đầu khác khiến con người tự sát.

Giám đốc điều hành SPA Nieves Murray cho biết những phát hiện này một lần nữa cho thấy áp lực tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ trầm cảm của những người trong cộng đồng như thế nào. “Chúng ta cần phải hành động ngay để giải quyết tỷ lệ căng thẳng ngày càng tăng và đối phó với nguy cơ gia tăng tỷ lệ tự tử trong cộng đồng", bà Murray nói.

SPA đang kêu gọi một gói cứu trợ khẩn cấp để giúp đảm bảo các dịch vụ phòng ngừa. Gói được đề xuất sẽ bao gồm việc theo dõi nhanh việc cung cấp cho các dịch vụ ngăn ngừa tự tử, cũng như hỗ trợ thêm cho những người có nguy cơ tự tử cao nhất.

Theo SPA, các ưu tiên khác là mở rộng hỗ trợ sức khỏe tâm thần do COVID-19 và tăng cường các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như tăng thanh toán hỗ trợ thu nhập.

Các nhóm ngăn chặn tự tử cũng đã kêu gọi đưa ra Đạo luật ngăn chặn tự tử quốc gia để buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này.

Đạo luật cơ bản về phòng chống tự tử đã từng được Nhật Bản đưa ra vào năm 2006. Từ khi có đạo luật này, Nhật Bản đã chứng kiến số ca tử vong do tự tử giảm khoảng 40% chỉ sau 15 năm, đạt mức thấp nhất trong 40 năm trên toàn quốc vào năm 2019.

Theo phụ nữ TPHCM