Ung thư thực quản là một trong những loại ung thư thường gặp ở Việt Nam. Ung thư thực quản được định nghĩa là những tổn thương ung thư xuất phát từ biểu mô niêm mạc của thực quản. Theo đó, thực quản được chia làm 3 phần: trên, giữa và dưới.
Ở thực quản cũng có 2 loại biểu mô: biểu mô vảy và biểu mô tuyến. Thông thường, ung thư thực quản ở phần trên và giữa sẽ thường gặp ung thư biểu mô vảy (chiếm đến 90% các trường hợp), còn ung thư thực quản phần dưới thường gặp ung thư biểu mô tuyến.
1. Nguyên nhân ung thư thực quản
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ung thư thực quản, tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Hút thuốc: Ở những người hút thuốc lá mắc ung thư thực quản chủ yếu sẽ gặp ung thư biểu mô vảy thực quản. Thời gian hút thuốc càng lâu nguy cơ mắc ung thư thực quản càng cao.
- Tuổi: Ung thư thực quản thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, ngoài 50 tuổi.
- Giới tính: Ung thư thực quản thường gặp ở nam giới và ít khi gặp ở nữ giới.
- Người uống nhiều rượu bia.
- Người thừa cân, béo phì.
- Người mắc các bệnh lý thực quản: co thắt tâm vị, loét thực quản kéo dài, trào ngược dạ dày, bệnh lý thực quản: Barrett…
- Một số yếu tố di truyền như: Bệnh Barrett thực quản gia đình, hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Bloom, thiếu máu Fanconi…
- Người thường xuyên ăn đồ cay nóng, đồ ăn nhiều gia vị, đồ muối chua, thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm có chứa chất nitrosamin…
- Người có tiền sử ung thư vùng hạ họng.
2. Triệu chứng ung thư thực quản
Ở giai đoạn đầu, ung thư thực quản chưa có biểu hiện rõ ràng. Lúc này, thường sẽ xuất hiện các tổn thương hoặc biến đổi nhỏ trên bề mặt thực quản đồng thời chưa gây ra ảnh hưởng rối loạn chức năng cơ thể hoặc bất thường về máu. Tuy nhiên người bệnh có thể phát hiện sớm ung thư thực quản thông qua nội soi đường tiêu hóa. Ung thư thực quản ở mỗi giai đoạn sẽ có những biểu hiện khác nhau.
Dưới đây là một số dấu hiệu có thể gặp khi mắc ung thư thực quản:
- Nuốt nghẹn, nuốt vướng: Đây là triệu chứng thường gặp ở người mắc ung thư thực quản. Ban đầu người bệnh có thể cảm thấy khó nuốt nhưng không cảm thấy đau. Ban đầu người bệnh có thể cảm thấy nuốt nghẹn, nuốt vướng với đồ ăn rắn, sau đó với những đồ ăn dạng lỏng, mềm cũng sẽ thấy khó khăn.
- Tiết nước bọt nhiều hơn, hơi thở có thể có mùi khó chịu
- Ợ chua
- Dễ sặc khi ăn uống
- Nôn hoặc buồn nôn
- Có thể xuất hiện đau rát họng, ho kéo dài hoặc ho ra máu
- Khi xuất hiện khối u, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như cảm giác vướng ở vùng họng, khó thở, khạc ra đờm, khàn giọng…
- Một số trường hợp bị đau lưng, đau phía sau xương ức, xương bả vai
- Ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể xuất hiện hạch ở cổ, gặp tình trạng sụt cân không rõ lý do, thậm chí có thể bị suy kiệt do hạn chế về ăn uống.
Tuy nhiên những biểu hiện trên có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác ở đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày.
Việc chẩn đoán ung thư thực quản cần dựa vào chẩn đoán hình ảnh cùng các xét nghiệm lâm sàng khác. Người bệnh sẽ được nội soi, siêu âm, sinh thiết để phát hiện ra những bất thường hay tổn thương ở thực quản.
3. Ung thư thực quản có lây không?
Ung thư thực quản không phải bệnh lý truyền nhiễm nên không thể lây từ người này qua người khác. Ung thư thực quản cũng không có yếu tố di truyền nhưng nếu tiền sử gia đình có người mắc ung thư thực quản bạn nên tầm soát sớm.
4. Phòng ngừa ung thư thực quản
Không có cách nào để phòng ngừa hoàn toàn ung thư thực quản. Thay vào đó chúng ta nên giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách:
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư thực quản. Việc hạn chế hút thuốc hoặc không hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Hạn chế uống rượu bia: Uống rượu bia trong thời gian dài và với số lượng lớn có thể gây ra các ảnh hưởng cho sức khỏe trong đó có nguy cơ phá hủy niêm mạc ở thực quản, dạ dày và dẫn tới ung thư thực quản.
- Có chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng. Chế độ ăn uống được khuyến cáo là tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, trái cây sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc ung thư thực quản. Bạn nên ưu tiên các thực phẩm như rau xanh, ngũ cốc, trà xanh, thực phẩm giàu protein… Đồng thời hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay/nóng, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn muối chua/lên men…
- Không làm việc quá sức, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Stress, căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý dạ dày, thực quản. Bên cạnh việc duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bạn nên có thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường thể trạng cơ thể và hạn chế nguy cơ mắc ung thư.
- Điều trị tốt các bệnh lý liên quan. Nếu bạn mắc các bệnh lý như viêm thực quản trào ngược, co thắt tâm vị… cần điều trị đúng theo phác đồ của bác sĩ, không được tự ý bỏ điều trị.
- Tập thể dục để nâng cao thể trạng và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý nói chung và ung thư thực quản nói riêng.
Ung thư thực quản có thể phát hiện sớm thông qua thăm khám sức khỏe, nội soi đường tiêu hóa. Do vậy việc tầm soát ung thư rất quan trọng để phòng ngừa và phát hiện sớm nhất là với những bệnh nhân có tiền sử viêm thực quản, ung thư vùng họng miệng…
5. Điều trị ung thư thực quản
Ung thư thực quản có thể phát hiện sớm thông qua nội soi. Nếu được phát hiện sớm, hiệu quả điều trị của bệnh sẽ tăng lên. Tuy nhiên người bệnh thường phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Tại Việt Nam, chưa đến 2% số người bệnh được chẩn đoán ung thư thực quản giai đoạn sớm.
Khi bệnh ung thư thực quản tiến triển đến giai đoạn muộn, không những việc điều trị khó khăn mà tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt khoảng 5%. Tùy vào giai đoạn bệnh, thể trạng người bệnh và đáp ứng với điều trị các bác sĩ sẽ lựa chọn phương án cụ thể như:
Phẫu thuật: Người bệnh sẽ được phẫu thuật cắt thực quản, vét hạch và tạo hình. Một số trường hợp không thể ăn uống sẽ được phẫu thuật mở thông dạ dày. Tuy nhiên phẫu thuật thực quản phức tạp và hậu phẫu nặng nề, bệnh nhân thường đau rất lâu, có thể nhiều biến chứng như rò trung thất…
Xạ trị: Thường phối hợp với hóa trị. Phương pháp này được áp dụng khi khối u không thể phẫu thuật và chưa có di căn. Nếu khối u đã tiến triển thì có thể dùng xạ trị để giảm nhẹ các ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh. Phương pháp xạ trị có thể gây ra các tác dụng phụ như bỏng, loét, chảy máu…
Hóa trị: Phương pháp này có thể áp dụng trước phẫu thuật để giảm bớt kích thước khối u giúp bệnh nhân đủ điều kiện để phẫu thuật. Hoặc cũng có thể dùng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Chăm sóc giảm nhẹ: Đây là phương pháp giúp người bệnh giảm đau đơn cũng như các tác dụng phụ khi điều trị.
Nội soi: Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm chưa di căn hoặc chưa có hạch người bệnh có thể được cắt bỏ tổn thương bằng nội soi (kỹ thuật cắt tách niêm mạc ESD) dựa trên chỉ định của bác sĩ.
Do vậy người bệnh nên tầm soát sớm ung thư để phát hiện bệnh sớm và can thiệp nội soi, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn và không cần phải điều trị hóa trị, xạ trị.
Theo suckhoedoisong.vn