Một vắc xin do Trung Quốc phát triển - ẢNH: AFP

Thế giới vừa nhận tin đáng mừng về vắc xin Covid-19. Cụ thể, AFP đưa tin vắc xin do Pfizer/BioNTech hợp tác nghiên cứu, tên BNT162b2, vừa chứng tỏ hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn chặn SARS-CoV-2 lây sang người.

Đây là kết quả rút ra từ cuộc phân tích độc lập đầu tiên về một dòng vắc xin được thử nghiệm ở giai đoạn 3 trên phạm vi toàn cầu, cũng là giai đoạn cuối cùng trước khi được cấp phép sử dụng. BNT162b2 đã thể hiện năng lực vượt xa kỳ vọng của hầu hết các chuyên gia, theo phân tích sơ bộ.

Biến cơ thể thành nhà máy vắc xin

Các dòng vắc xin truyền thống, như trường hợp sởi hoặc cúm, hoạt động bằng cách tiêm vào cơ thể người một số lượng nhỏ vi rút, hoặc một dạng vi rút bị suy yếu, từ đó kích hoạt hệ miễn dịch phát triển các kháng thể bảo vệ cơ thể người.

Biện pháp này thường mất nhiều thời gian để nghiên cứu và điều chế cũng như tối ưu hóa, trong khi con người không thể chờ đợi trước tốc độ lây lan chóng mặt của Covid-19. Vì thế Pfizer/BioNTech quyết định theo đuổi một cách tiếp cận khác, với vắc xin dựa trên mRNA (tức RNA thông tin) để cung cấp các hướng dẫn về di truyền và tạo ra các kháng nguyên trực tiếp bên trong các tế bào, cho phép cơ thể người tự chuyển hóa thành một nhà máy “sản xuất vắc xin”.

Cho đến nay vẫn chưa xuất hiện trường hợp nào cho thấy có thể nghi ngờ về mức độ an toàn của vắc xin Pfizer/BioNTech khi sử dụng trên người. Và hiệu quả ấn tượng của nó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chính phủ. Trước đó, giới hữu trách tại nhiều nước cho hay sẽ thông qua bất kỳ vắc xin nào có hiệu quả 50%.

Nhà miễn dịch học Drew Weissman của Đại học Pennsylvania (Mỹ) chia sẻ: “Tôi không thể nào nhớ được lần cuối cùng thế giới điều chế loại vắc xin ngăn ngừa bệnh đường hô hấp có hiệu quả hơn 90%”, theo AFP. Con số này cao hơn hẳn mục tiêu 60 - 70% mà giới chức y tế các nước phương Tây đặt ra, đồng thời vượt xa mức 50% đa số các dòng vắc xin trị cúm hiện có thể đạt được.

“Đối với tôi, đây là kết quả tốt nhất có thể”, theo báo Financial Times dẫn lời nhà đồng sáng lập Ugur Sahin của Hãng BioNTech (Đức). Giáo sư John Bell của Đại học Oxford (Anh), người đang tham gia dự án điều chế vắc xin của đại học này, đánh giá rất cao công trình nghiên cứu của Pfizer/BioNTech và kỳ vọng mọi thứ có thể quay lại nhịp sống bình thường vào mùa xuân năm sau.

“Có lẽ tôi là người đầu tiên dự đoán điều đó, nhưng tôi vẫn tự tin khi phát biểu như thế”, Giáo sư Bell chia sẻ với Đài BBC.

Thách thức về bảo quản

Quá trình sản xuất BNT162b2 đã được khởi động. Hãng Pfizer dự báo sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm 2020 và nâng lên 1,3 tỉ liều vào năm sau. Pfizer/BioNTech đã ký kết hợp đồng cung cấp 200 triệu liều vắc xin cho EU, 40 triệu liều cho Anh.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng xoay xở được 100 triệu liều BNT162b2 với trị giá hợp đồng 1,95 tỉ USD (45.191 tỉ đồng), bắt đầu phân phối từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, những quốc gia có thu nhập thấp sẽ phải đối mặt với không ít vấn đề, vì BNT162b2 cần phải được bảo quản trong môi trường cực lạnh ở mức -700C. Nhà đồng sáng lập Ugur Sahin của BioNTech cho hay công ty đang tìm hiểu liệu vắc xin có thể bảo trì hiệu quả trong vòng 5 ngày ở nhiệt độ 40C như dùng tủ lạnh bình thường hay không, theo báo The Guardian.

Tại Đức, chính quyền Thủ tướng Angela Merkel đang lên kế hoạch thiết lập các trung tâm vắc xin với các thiết bị trữ lạnh phù hợp theo yêu cầu của vắc xin trên.

Brazil ngừng thử nghiệm vắc xin Trung Quốc vì tác dụng phụ nghiêm trọng

Cơ quan Y tế quốc gia Brazil hôm qua 10.11 tuyên bố ngừng thử nghiệm vắc xin Coronavac do Hãng Sinovac Biotech sản xuất sau khi xuất hiện một trường hợp phản ứng nghiêm trọng vào ngày 29.10, nhưng không cho biết thêm thông tin.

Theo Bloomberg, việc ngưng thử vắc xin để chờ kết quả điều tra không phải là điều gì quá bất thường, nhất là đối với các ứng viên đang được thử nghiệm trên diện rộng ở người, như trường hợp của hai hãng dược phương Tây là AstraZeneca và Johnson & Johnson. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là Trung Quốc đã đưa vào sử dụng các vắc xin, trong đó có Coronavac, cho hàng trăm ngàn người tại nước này, và điều đó càng làm vấn đề trở nên đáng quan ngại hơn.

Trong khi đó, thuốc hydroxychloroquine được xác nhận không mang lại hiệu quả nào cho các bệnh nhân đang nhập viện điều trị Covid-19, theo nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia Mỹ.

Theo thanhnien