Trên thực tế, khi bắt đầu ăn uống lành mạnh và tập thể dục, trọng lượng cơ thể sẽ tăng nhẹ. Đây là điều hết sức bình thường do cơ thể đang diễn ra những phản ứng để thích nghi. Mọi người không nên nản chí vì sau giai đoạn này, trọng lượng cơ thể sẽ bắt đầu giảm, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Những nguyên nhân khiến cơ thể tăng cân, sau đó mới giảm cân được gồm:
Phản ứng giữ nước
Khi mới bắt đầu tập luyện thường xuyên, cơ thể sẽ tự động dự trữ nhiều glycogen hơn. Đây là phản ứng sinh học để cung cấp hiệu quả hơn nguồn năng lượng cần thiết cơ bắp hoạt động.
Tuy nhiên, vì glycogen liên kết với nước nên dự trữ nhiều glycogen hơn cũng đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ trữ nước nhiều hơn. Glycogen liên kết với nước theo tỷ lệ 1:3, nghĩa là với mỗi gram glycogen cơ thể dự trữ sẽ tích thêm 3 gram nước. Hệ quả là gây tăng cân nhẹ.
Dù vậy, mọi người không nên nản chí. Qua thời gian, cơ thể sẽ thích ứng với cường độ tập luyện mới và cần ít glycogen hơn, ít giữ nước và cân nặng sẽ bắt đầu giảm.
Viêm gây tích nước
Với những người mới bắt đầu tập luyện, các sợi cơ sẽ bị tổn thương do tăng cường độ vận động. Những vết rách siêu nhỏ trong cơ sẽ gây viêm và đau. Để lành các vết rách, cơ thể sẽ giữ lại nước. Hệ quả là gây tăng cân tạm thời.
Tăng khối lượng cơ
Một nguyên nhân tích cực khiến không thể giảm cân, thậm chí tăng cân, dù đã ăn kiêng và tập luyện là tăng khối lượng cơ. Đây là hiện tượng thường xảy ra khi một người tập các bài nâng tạ kết hợp với chế độ ăn lành mạnh với lượng calo cân bằng, tức calo nạp vào bằng calo tiêu hao.
Khi đó, cơ thể sẽ đồng thời đốt mỡ thừa và tăng khối lượng cơ. Dù cân nặng không thay đổi, thậm chí tăng nhẹ nhưng các khối cơ sẽ săn chắc, vóc dáng cũng gọn gàng hơn.
Lạm dụng thực phẩm bổ sung protein
Protein cần thiết cho quá trình phát triển cơ bắp. Tuy nhiên, nếu nạp quá nhiều thực phẩm giàu protein, từ thịt, trứng đến thực phẩm bổ sung protein thì sẽ dễ gây thặng dư calo và tăng cân. Khi đó, giảm lượng protein trong chế độ ăn hằng ngày là cần thiết, theo Healthline.
Theo Thanh niên