Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc giảm cân như di truyền, chất lượng tập thể dục, chế độ ăn uống. Ngoài ra, việc lựa chọn những phương pháp tập luyện giảm cân phù hợp sẽ đẩy nhanh kết quả, theo trang Eat This, Not That!
Chỉ tập trung vào việc giảm cân hoặc tăng cân
Theo bà Yeomans, khi chúng ta tập thể dục đúng cách và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân nặng dao động là điều đương nhiên.
Nếu cơ dày hơn mỡ thì cân nặng hầu như sẽ ít ảnh hưởng mà vóc dáng sẽ có những thay đổi khi tập luyện.
Do đó, việc đánh giá hiệu quả tập luyện dựa trên cân nặng là không hoàn toàn chính xác mà phải dựa trên tỷ lệ mỡ cơ thể và khối lượng cơ.
Không thực hiện một cách đều đặn
Việc giảm cân là sự kết hợp giữa chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen tập thể dục phù hợp. Theo đó, việc giảm cân phụ thuộc 80% vào chế độ ăn kiêng và 20% vào việc tập thể dục.
Việc ăn một vài bữa ăn lành mạnh và thực hiện các buổi tập luyện không đều đặn sẽ không đủ để mang lại hiệu quả rõ rệt.
Chế độ ăn uống không hiệu quả
Cả chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen tập thể dục đều có thể giúp giảm cân. Tuy nhiên, nhiều người không duy trì chế độ ăn uống hợp lý và đây có thể là một trở ngại lớn.
Nếu bạn thể dục thường xuyên nhưng ăn ít, cơ thể sẽ sử dụng chất béo dự trữ để lấy năng lượng. Ngược lại, nếu bạn ăn quá nhiều calo thì quá trình giảm cân sẽ bị cản trở.
Ngủ không đủ giấc
Theo ông Tyler Read, huấn luyện viên cá nhân tại Mỹ, thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến hormone điều chỉnh sự thèm ăn và trao đổi chất.
Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia của Mỹ (NSF) khuyến nghị người lớn trong độ tuổi từ 18 đến 64 nên ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm và người từ 65 tuổi trở lên nên ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm.
Căng thẳng quá mức
Căng thẳng có thể tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh trong cuộc sống, bao gồm cả việc giảm cân, ngay cả khi bạn đang tập thể dục.
"Căng thẳng mãn tính sẽ khiến nồng độ cortisol tăng cao, thúc đẩy quá trình tích trữ chất béo, đặc biệt là ở vùng bụng", ông Read nói.
Theo Thanh niên