Chị Trần Mai Thảo (45 tuổi, Hà Nội) cảm thấy tai của mình không thể nghe những âm thanh ở xa chừng 10m, khi xem tivi phải ngồi rất gần để nghe rõ tiếng nói.

“Điều này khiến tôi gặp nhiều rắc rối, nhiều lúc sếp giao việc tôi hỏi đi hỏi lại 2,3 lần khiến họ cảm thấy phiền. Các con của tôi cũng hay phàn nàn, rằng mẹ ở trong nhà mà nó kêu tận mấy hồi vẫn không thấy trả lời. Có hôm kêu không được, gọi điện thoại không thấy tôi nghe, sợ tôi có chuyện gì nên bọn trẻ kêu người đến phá cửa”, chị Thảo tâm sự.

Bên cạnh việc bị “lãng tai”, người phụ nữ này cũng gặp các tình trạng khác như xuất hiện cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm khiến chị vô cùng lo lắng.

Empty

Nhiều chị em bị lãng tai tuổi tiền mãn kinh (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về trường hợp trên, Ths.Bs. Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo và Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, trong nhiều năm làm nghề, anh đã gặp không ít chị em có tình trạng tương tự chị Thảo.

“Những gì chị em đang trải qua có thể liên quan nhiều hơn đến sự kết hợp giữa yếu tố di truyền, tuổi tác và kinh nghiệm sống hơn là thời kỳ mãn kinh”, bác sĩ Thành nói.

Theo vị bác sĩ này, một số phụ nữ được sinh ra với thính giác tuyệt vời và vẫn duy trì được nó ở tuổi 70 hoặc thậm chí 80. Tuy nhiên, hầu hết mọi người nhận thấy rằng khả năng nghe của họ giảm dần theo thời gian. Hiện tại, có khoảng 28 triệu người Mỹ bị khiếm thính ở một mức độ nào đó và con số này được dự báo sẽ lên đến 78 triệu người vào năm 2030.

“Sự thật là nhiều người trong chúng ta đã đẩy nhanh tiến độ lão hóa thính giác bằng cách tiếp xúc với rất nhiều tiếng ồn trong cuộc sống của mình”, nam bác sĩ nhận định.

Empty

Khả năng nghe giảm dần theo độ tuổi (Ảnh minh họa)

Cụ thể, khi còn ở tuổi thiếu niên, chúng ta đã đeo tai nghe cá nhân hàng giờ liên tục và phát nhạc từ radio ngay trên ô tô. Ngay cả bây giờ, chúng ta vẫn thường tăng âm lượng trên điện thoại của mình đến mức không an toàn. Khi tiếp xúc với những tiếng ồn phát ra liên tục, sẽ tăng khả năng làm tổn thương các tế bào lông mỏng manh tạo điều kiện cho việc nghe nằm dọc theo ốc tai - một cấu trúc thuộc tai trong.

Tiếng ong ong tạm thời trong đầu sau một buổi hòa nhạc với âm lượng lớn hoặc những âm thanh hỗn tạp mà người nghe phải chịu đựng khi tan sở có thể là những dấu hiệu cho thấy họ đang gây áp lực lên những tế bào nhạy cảm này. Nếu những ai làm việc tại một nơi như ở công trình xây dựng, nhà máy sản xuất hoặc cảng hàng không và không thể khiến mọi người nghe thấy chúng ta nói tại khoảng cách một cánh tay mà không cất cao giọng, đó là một dấu hiệu khác cho thấy chúng ta đang tiếp xúc với quá nhiều tiếng ồn.

“Sự lặp đi lặp lại của những "chấn thương thính giác" có thể phá huỷ các tế bào lông. Vì chúng không tự tái tạo được nên việc mất đi có thể đồng nghĩa với việc bạn sẽ không còn nghe được âm thanh ở một số tần số nhất định.

Trong bất kể trường hợp nào, có lẽ sẽ là một hành động sáng suốt khi bạn thỉnh thoảng cho bản thân nghỉ ngơi bằng cách tìm một chút yên tĩnh trong cuộc sống ồn ào của bạn”, BS Thành phân tích.

Theo giadinhonline.vn