Bộ Y tế vừa có công văn số 4132/BYT-PC (Công văn 4132) gửi các sở y tế và cơ sở khám chữa bệnh đề nghị chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu không can thiệp, ép buộc điều trị đối với các đối tượng này; nếu có chỉ là hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện.

Vì sao đồng tính không thể thay đổi được? - ảnh 1

Xu hướng tính dục đã ẩn náu trong cơ thể, thường bộc lộ khi bước vào tuổi dậy thì

BỆNH VIỆN NHI T.Ư

Trước đó, Bộ Y tế đã nhận được thông tin phản ánh về việc hiện nay một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và một số bác sĩ tự nhận là chữa khỏi bệnh đồng tính, trong khi Hiệp hội Tâm thần học Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định đồng tính hoàn toàn không phải là bệnh. Vậy nên, đồng tính không thể “chữa”, không cần “chữa” và cũng không thể làm cách nào thay đổi được.

Các sở y tế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề trong việc thực hiện, tuân thủ các nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

 Xu hướng tính dục “ẩn náu” từ khi là đứa trẻ

Trao đổi với Thanh Niên, TS - BS Nguyễn Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết xu hướng tính dục đều là những tình trạng đã “ẩn náu” bền vững ngay bên trong khi còn là đứa trẻ và dần dần bộc lộ khi trẻ bước vào lứa tuổi dậy thì. Nhưng thực tế, không ít cha mẹ vẫn nghĩ rằng, “bất thường” giới là do ảnh hưởng từ bên ngoài, từ bạn bè, phim ảnh.

Theo TS Loan: “Đồng tính không phải là bệnh, chỉ là sự khác biệt về khuynh hướng tính dục. Người đồng tính vẫn phát triển thể chất và tinh thần bình thường, có tương lai và cuộc sống như bao người khác".

"Do đó, khi nhận nhận ra con mình có xu hướng này, thay vì không chấp nhận, cấm đoán con thì cha mẹ nên cố gắng vượt qua định kiến, để tạo cho con một môi trường "an toàn tinh thần”. Cha mẹ hãy đồng hành cùng con, hỗ trợ con đúng cách như luôn tôn trọng, chia sẻ cùng con", TS Loan khuyến cáo.

Giới tính sinh học: được xác định từ khi một người mới ra đời, đa số được quyết định bởi bộ sinh dục ngoài, cơ quan sinh dục trong và nhiễm sắc thể của người đó.

Nam giới: Có bộ phận sinh dục nam hoàn chỉnh với dương vật, tinh hoàn và nhiễm sắc thể giới tính XY.

Nữ giới: Có bộ phận sinh dục nữ hoàn chỉnh với âm vật, môi lớn, môi bé, tử cung, buồng trứng và nhiễm sắc thể giới tính XX.

Xu hướng tính dục: Là việc có cảm xúc yêu đương, ham muốn tình dục với người thuộc giới nào.

Đồng tính nữ (lesbian): Người có bản dạng giới nữ, có ham muốn tình dục với người có bản dạng giới nữ.

Đồng tính nam (gay): Người có bản dạng giới nam, có ham muốn tình dục với người có bản dạng giới nam.

Khuynh hướng tình dục song tính (bi-sexual): Có ham muốn tình dục với cả người có bản dạng giới nam và người có bản dạng giới nữ.

Khuynh hướng tình dục vô tính (asexual): Không có ham muốn tình dục với bất kỳ ai.

Khi cha mẹ thấy trẻ có các biểu hiện bất thường trong cuộc sống thì nên tới gặp các chuyên gia về giới để được hỗ trợ tư vấn cho bản thân cha mẹ và trẻ vị thành niên, tránh để lâu sẽ ảnh hướng đến tâm lý của con và cha mẹ.

(Bệnh viện Nhi T.Ư)

Theo Thanh niên