Trang tin Insider mới đây cho hay dù caffein trong cà phê không khiến trẻ em chậm lớn nhưng chúng có thể gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe không mong muốn.

“Caffein có thể gây ra các vấn đề như bồn chồn, lo lắng, trào ngược axit, rối loạn giấc ngủ, tăng nhịp tim và huyết áp nếu trẻ em hấp thụ quá nhiều”, tiến sĩ David Berger, đồng thời là bác sĩ nhi khoa đang làm việc tại Mỹ, cho biết.

Vì sao không nên cho trẻ dưới 12 tuổi uống cà phê? - ảnh 1

Caffein có thể gây ra các vấn đề như trào ngược axit,rối loạn giấc ngủ, tăng nhịp tim và huyết áp nếu trẻ em hấp thụ quá nhiều

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Giải thích rõ hơn, chuyên gia này cho hay cơ thể trẻ em vốn nhỏ hơn người lớn, nên một lượng caffein an toàn cho người lớn cũng có thể khiến các em gặp rắc rối về sức khỏe.

Chuyên gia Berger nói rõ mỗi cốc cà phê sẽ có khoảng 95 mg caffein. Với người lớn, họ có thể uống 2 cốc mỗi ngày (nên uống trước buổi chiều tối) vẫn đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên với trẻ con, mức caffein trên là quá nhiều.

Cụ thể, ông Berger cho biết với trẻ từ 10-12 tuổi, lượng caffein an toàn có thể hấp thụ là ít hơn 85 mg/ngày. Trong khi con số này ở trẻ trong độ tuổi từ 4-9 còn thấp hơn nữa, chỉ vào khoảng từ 45-62,5 mg/ngày.

Ngoài ra, chuyên gia người Mỹ còn cảnh báo trẻ dưới 12 tuổi thường xuyên uống cafe còn có thể mắc chứng suy giảm chức năng nhận thức, khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và suy giảm khả năng đọc hiểu.

Học viện tâm lý trẻ em và vị thành niên của Mỹ cũng từng đưa ra khuyến cáo không nên cho trẻ em dưới 12 sử dụng thức uống có quá nhiều caffein như cà phê. Thay vào đó, nên cho các em uống các loại trà thảo dược, sinh tố trái cây hoặc sữa khi cần giải khát.

Theo Thanh niên