Đối với những người tập gym thì đổ mồ hôi là dấu hiệu cho thấy họ đang có buổi tập hiệu quả. Tuy nhiên, một số người khi tập luyện lại đổ nhiều mồ hôi hơn người khác. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Những người có cơ thể to lớn hơn thì khi tập luyện sẽ tạo ra nhiệt nhiều hơn. Do đó, cơ thể họ cũng sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn. Ngoài ra, người có các khối cơ nạc to hơn thì cũng đổ nhiều mồ hôi hơn so với người ít cơ.
Tập thể dục thường xuyên cũng khiến một người đổ mồ hôi nhiều hơn người khác. Ví dụ, 2 người cùng bước lên máy chạy bộ nhưng người tập luyện đều đặn sẽ đổ nhiều mồ hôi hơn người mới tập hoặc thỉnh thoảng tập. Điều này là do cơ thể người tập thường xuyên đã quen với cường độ tập và sớm có phản ứng làm mát cơ thể.
Trên thực tế, phản ứng đổ mồ hôi của cơ thể sẽ thay đổi để tương thích với mức độ tập luyện của chúng ta. Chẳng hạn, người mới tập thì mồ hôi sẽ đổ ít nhưng khi đã tập lâu thì mồ hôi sẽ đổ nhiều hơn.
Không những vậy, những người đã tập lâu thì quá trình bài tiết mồ hôi cũng sẽ đến sớm hơn. Họ có thể chỉ cần thực hiện vài động tác khởi động thì mồ hôi đã bắt đầu đổ. Chính vì đổ mồ hôi sớm hơn nên cả buổi tập họ sẽ mất nhiều nước hơn.
Ngoài ra, thành phần mồ hôi cũng có sự thay đổi giữa người mới tập và tập lâu. Khi mới tập, mồ hôi sẽ có nhiều natri, kali và các chất điện giải khác. Nhưng khi đã tập lâu, cơ thể sẽ thích ứng, dù đổ nhiều mồ hôi hơn nhưng thành phần các chất điện giải bị mất đi sẽ giảm.
Đổ nhiều mồ hôi sẽ khiến cơ thể bị mất nước, từ đó dễ gây chuột rút. Do đó, người tập cần uống đủ nước. Lượng nước này sẽ giúp người tập điều hòa được thân nhiệt, đồng thời giúp khớp luôn được bôi trơn đúng cách.
Để đảo bảo cơ thể đủ nước, các chuyên gia khuyến cáo trong vòng 2 giờ trước khi tập thì nên uống ít nhất 500 ml nước. Trong quá trình tập thì trung bình 20 phút thì uống khoảng 200 đến 300 ml nước. Trong vòng 30 phút sau khi tập luyện thì cần tiếp tục uống ít nhất 250 ml nước, theo Healthline.
Theo Thanh niên