Nếu không được cấp cứu kịp thời, người đột quỵ có thể bị chết tế bào não. Video: Ted-ed

Đột quỵ ở người trẻ là trường hợp nhóm đối tượng dưới 45 tuổi bị đột quỵ do xuất huyết não hoặc tắc nghẽn mạch máu não. Nếu trước đây các trường hợp đột quỵ thường chỉ xảy ra ở người trung niên và người cao tuổi (trên 65 tuổi) thì hiện nay, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa.

Theo các thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm đến 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, với số người bệnh là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Trên thế giới, thông tin từ Hội đột quỵ thế giới 2022 cho biết, mỗi năm có đến hơn 16% các đối tượng bị đột quỵ mới chỉ trong độ tuổi 15 – 49 tuổi (trên tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ não mới). Theo đó, trong 6,5 triệu trường hợp tử vong do đột quỵ mỗi năm thì có đến 6% là người trẻ.

Empty

Ngày càng nhiều người trẻ tuổi bị đột quỵ (Ảnh minh họa)

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, nhiều người thường nghĩ đột quỵ chỉ xuất hiện ở những người từ 60, 65 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa.

Theo vị bác sĩ, nhiều người trẻ bị đột quỵ là do các yếu tố nguy cơ gần giống ở người trung niên và cao tuổi, nhất là mắc các bệnh lý nền sớm. Trong đó, điển hình là những bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì, bệnh tim mạch, cao cholesterol trong máu, dị dạng mạch máu, u não...

Ví dụ, tỷ lệ béo phì ở người trẻ hiện nay cao hơn cả ở người lớn tuổi. Các nghiên cứu cho thấy người trên 60 tuổi có tỷ lệ béo phì khoảng 6%, nhưng con số này ở người dưới 40 tuổi 12%. Trong 8 người tăng huyết áp có một người dưới 40 tuổi. Tiểu đường type 2 trước đây thường chỉ có ở người trên 40 tuổi, nhưng nay người trẻ từ 18 - 20 tuổi cũng có thể mắc bệnh.

 

Bên cạnh đó, áp lực từ cuộc sống cùng với các thói quen thiếu khoa học như lười vận động, thiếu ngủ, mất ngủ, ăn nhiều chất béo bão hòa, đường, mỡ động vật, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá... cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nền dẫn đến đột quỵ ở người trẻ.

Trên thực tế, nhiều người trẻ khi đi khám sức khỏe tổng quát, thực hiện các chỉ định chụp chiếu tầm soát đã phát hiện có nguy cơ đột quỵ.

Empty

Thời tiết nắng nóng kéo dài, có thể tăng nguy cơ đột quỵ (Ảnh minh họa)

Để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, bác sĩ Đức nhắn nhủ, mỗi người cần ổn định cân nặng, vận động thường xuyên, tránh thức khuya, duy trì giấc ngủ khoa học, tránh rượu bia, thuốc lá... Nếu mắc các bệnh lý nền cần đi khám để được điều trị, kiểm soát bệnh ổn định.

Hạn chế các yếu tố đi kèm có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tai biến như tắm khuya lạnh, thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, thức khuya. Đồng thời, người bệnh cần chủ động đi tầm soát đột quỵ.

Nếu không may bị đột quỵ, cấp cứu kịp thời trong giờ "vàng" rất quan trọng giúp tăng khả năng cứu sống và phục hồi.

“"Giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ là từ 3-4,5 giờ hoặc mở rộng lên 6-24 giờ đầu kể từ lúc khởi phát triệu chứng. Các biện pháp thường được áp dụng là dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp mạch lấy huyết khối, khai thông mạch máu hoặc phẫu thuật với robot giúp lấy nhanh khối máu tụ trong não”, bác sĩ Đức cho hay.

Cảnh báo đột quỵ do nắng nóng

Bộ Y tế cho biết hiện nắng nóng gay gắt bắt đầu xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và người lao động. Vào mùa nắng nóng có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng.

Các chuyên gia y tế cho biết các triệu chứng đột quỵ do nắng nóng là đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch và có thể tử vong.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ. Người dân nên mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi.

Theo giadinhonline.vn