Mãn kinh là giai đoạn cơ thể phụ nữ xảy ra nhiều thay đổi quan trọng. Những thay đổi này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, trong đó có tình trạng rối loạn giấc ngủ. Tình trạng này dao động 16 - 42% thời kỳ tiền mãn kinh, 39 - 47% khi mãn kinh và 35 - 60% hậu mãn kinh.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khó ngủ ở phụ nữ mãn kinh, đặc biệt là tình trạng bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm.
Bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm
Bốc hỏa là cảm giác nóng đột ngột và bất ngờ trên cơ thể, xảy ra vào ban đêm. Những cơn bốc hỏa thường đi kèm với đổ mồ hôi, bắt đầu ở mặt, lan xuống ngực và bên dưới. Chúng có thể kéo dài trong thời gian ngắn, dưới một phút hoặc lâu nhất là 5 phút. Cảm giác ớn lạnh có thể xảy ra sau một cơn nóng bừng. Các triệu chứng này ảnh hưởng đến chu kỳ thức - ngủ và gây khó ngủ ở phụ nữ mãn kinh.
Ảnh minh họa.
Hormone suy giảm
Mãn kinh xảy ra do hàm lượng hormone suy giảm, chủ yếu là estrogen, progesterone và testosterone. Những hormone này điều chỉnh chức năng sinh sản, chu kỳ kinh nguyệt, tâm trạng, năng lượng, ham muốn tình dục, nhận thức và giấc ngủ. Vì ba loại hormone chính này dao động trong giai đoạn mãn kinh nên ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Nguyên nhân khác gây khó ngủ ở phụ nữ trung niên là do nồng độ melatonin suy giảm. Melatonin là hormone duy trì giấc ngủ tự nhiên của cơ thể, thường suy giảm theo tuổi tác. Khi ở mức thấp, hormone này làm giảm nhịp sinh học, khó kiểm soát và duy trì giấc ngủ.
Mức độ melatonin giảm không nhất thiết liên quan đến thời kỳ mãn kinh. Chúng thường giảm trước giai đoạn này và ảnh hưởng đến cả nam giới.
Ảnh minh họa.
Triệu chứng bàng quang và âm đạo
Một nghiên cứu năm 2015 của The Korean Society of Menopause cho thấy có tới 63% số người trong thời kỳ mãn kinh gặp các triệu chứng bàng quang và âm đạo vào ban đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ.
Các triệu chứng bao gồm đi tiểu thường xuyên, đau nhức và kích ứng, nhiễm trùng tiết niệu do các mô âm đạo bị mỏng đi, gây khô và viêm.
Thay đổi tâm trạng
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ tuổi mãn kinh gặp vấn đề trong việc cân bằng hormone trong cơ thể, đặc biệt là các hormone nội tiết tố. Lượng estrogen, mà cụ thể là Estradiol suy giảm nghiêm trọng trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh được coi là yếu tố then chốt khiến phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh trầm cảm cao hoặc trong trạng thái lo lắng, khó chịu. Khi có vấn đề tâm lý này kéo dài rất dễ gây khó ngủ ở phụ nữ mãn kinh.
Ảnh minh họa.
Đau khớp và cơ
Đau khớp và cơ là tình trạng phổ biến ở thời kỳ mãn kinh và có thể khiến phụ nữ thức giấc vào ban đêm. Đau cơ xương khớp thường liên quan đến mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, rối loạn giấc ngủ, béo phì, lo lắng hoặc căng thẳng.
Nguyên nhân gây ra các bệnh lý xương khớp giai đoạn này xuất phát từ sự suy giảm hormone estrogen.
Estrogen được xem như một chất bảo vệ xương tự nhiên. Estrogen là một thành phần quan trọng giúp điều hòa lượng chất lỏng trong cơ thể. Do đó, việc thiếu hụt estrogen khiến cơ thể giữ nước kém, gây tác động xấu đến khả năng bôi trơn các mô khớp, lâu dần gây ra tình trạng thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, khi cơ thể mất nước làm cho nồng độ axit uric trong cơ thể tăng lên, đồng thời khiến khả năng đào thải lượng axit uric dư thừa của thận giảm xuống, làm tăng nguy cơ hình thành bệnh viêm khớp dạng thấp.
Bên cạnh đó, thiếu hoạt động thể chất hay thói quen sinh hoạt không lành mạnh cũng làm cho phái đẹp đau khớp hàng đêm.
Theo giadinhonline.vn