Tình trạng một cặp vợ chồng chưa từng có con và không thể thụ thai được gọi là vô sinh nguyên phát. Trong khi đó, tình trạng vô sinh ở những cặp vợ chồng từng có con được gọi là vô sinh thứ phát. Vô sinh thứ phát có thể liên quan đến các vấn đề sinh sản ở nam, nữ, do cả hai hoặc không rõ nguyên nhân. Có một số nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng này bao gồm:

Nguyên nhân ở nữ giới

Hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS): Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra vô sinh ở nữ giới do không xảy ra rụng trứng. Khoảng 10% phụ nữ bị đa nang buồng trứng trong độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh do có sự hình thành của các u nang hoặc túi chứa chất lỏng trong buồng trứng.

Lạc nội mạc tử cung: Sự hình thành của các mô tương tự như niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung có thể gây viêm nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng của trứng. Lạc nội mạc tử cung trong một số trường hợp hình thành mô sẹo gây biến dạng hoặc thay đổi cấu trúc sinh sản khiến quá trình mang thai khó khăn hơn. Lạc nội mạc tử cung cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả của các phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI): Chlamydia và bệnh lậu có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu dẫn tới khó mang thai.

Suy buồng trứng nguyên phát (POI): Bệnh có dấu hiệu điển hình là chu kỳ kinh nguyệt không đều trước tuổi 40. Chỉ khoảng 5-10% phụ nữ bị POI thụ thai và có thai bình thường, còn đa số là khó thụ thai. Nguyên nhân của POI thường không rõ ràng nhưng hóa trị, xạ trị vùng chậu có thể là nguyên nhân gây ra bệnh.

Rối loạn nội tiết tố: Rối loạn nội tiết tố xảy ra khi có vấn đề ở tuyến yên trong não gây ảnh hưởng đến các hormone duy trì hoạt động của buồng trứng. Phụ nữ bị rối loạn nội tiết tố có thể không rụng trứng dẫn tới vô sinh.

Tắc ống dẫn trứng: Khoảng 29% phụ nữ bị vô sinh thứ phát do tắc ống dẫn trứng. Chlamydia có thể gây ra nhiễm trùng ống dẫn trứng, gây ra những tổn thương vĩnh viễn.

Vô sinh thứ phát có thể do vợ, chồng hoặc đôi khi ở cả hai. Ảnh: Pexel

Vô sinh thứ phát có thể do vợ, chồng hoặc đôi khi do cả hai. Ảnh: Pexel

Nguyên nhân ở nam giới

Các vấn đề ở tinh hoàn: Tinh hoàn bị chấn thương, giãn tĩnh mạch thừng tinh, thói quen, lối sống không lành mạnh có thể gây rối loạn chức năng xuất tinh, ảnh hưởng đến hình dạng và số lượng tinh trùng.

Mất cân bằng nội tiết tố: Tuyến yên và vùng dưới đồi tuyến yên có nhiệm vụ sản xuất các hormone điều chỉnh chức năng của tinh hoàn. Một số yếu tố gây ảnh hưởng đến các cấu trúc này có thể làm thay đổi quá trình sản xuất hormone dẫn đến số lượng tinh trùng thấp hoặc không có tinh trùng.

Sự lão hóa: Một số tác động của lão hóa có thể gây ra các vấn đề dẫn đến vô sinh nam như: phì đại tuyến tiền liệt, giảm sản xuất hormone, mãn dục nam sớm...

Phương pháp điều trị vô sinh thứ phát

Nhiều cặp vợ chồng không nghĩ mình bị vô sinh thứ phát do họ từng có con trước đó và không tìm đến các biện pháp hỗ trợ sinh sản cho tới khi đi khám và được chẩn đoán vô sinh. Cũng giống như người bị vô sinh nguyên phát, các phương pháp điều trị y tế có thể giúp các cặp tiếp tục có thêm con.

Các phương pháp điều trị vô sinh thứ phát bao gồm: bổ sung Clomid giúp kích thích hormone sản xuất trứng ở phụ nữ có vấn đề về rụng trứng; phẫu thuật tử cung loại bỏ những khối u trong tử cung như mô sẹo, polyp và u xơ tử cung ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Các kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cũng có thể được áp dụng với trường hợp vô sinh thứ phát. Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tức dùng trứng và tinh trùng đã được thụ tinh và chuyển phôi vào tử cung; hay thụ tinh trong tử cung (IUI), bơm tinh trùng trực tiếp vào tử cung của phụ nữ, được thực hiện trong trường hợp nam giới có số lượng tinh trùng thấp hoặc chất lượng tinh trùng kém. Đây cũng là một lựa chọn cho những phụ nữ có chất nhầy cổ tử cung không thân thiện với tinh trùng. Ngoài ra, phẫu thuật tinh hoàn có thể khắc phục chứng chất lượng tinh trùng kém ở những nam giới bị giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Theo VnExpress