1. Viêm đường tiết niệu có lây truyền qua đường tình dục?

Viêm đường tiết niệu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, xảy ra khi vi khuẩn thường từ hậu môn, tay bẩn xâm nhập vào niệu đạo và di chuyển đến bàng quang hoặc các bộ phận khác của đường tiết niệu.

Viêm đường tiết niệu không lây truyền qua đường tình dục và không lây nhiễm. Điều này có nghĩa là người bị viêm đường tiết niệu sẽ không truyền sang đối tác. Trong hầu hết các trường hợp, đối tác của người bị viêm đường tiết niệu sẽ không cần điều trị. Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro trong quan hệ tình dục khi một người bị nhiễm trùng tiểu.

7 lời khuyên cho quan hệ tình dục khi viêm đường tiết niệu - Ảnh 2.

Viêm đường tiết niệu ảnh hưởng đến quan hệ tình dục. Ảnh minh họa

Khi bị viêm đường tiết niệu, quan hệ tình dục có thể gây đau và có thể kích thích niệu đạo nhạy cảm. Ở phụ nữ, áp lực lên thành trong của âm đạo cũng có thể gây áp lực lên bàng quang, làm tăng thêm cơn đau do nhiễm trùng tiểu.

Quan hệ tình dục cũng có thể đẩy vi khuẩn từ những nơi khác xung quanh vùng sinh dục vào niệu đạo. Đối với nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, quan hệ tình dục là một yếu tố nguy cơ đáng kể để phát triển viêm đường tiết niệu. Điều này là do quan hệ tình dục khi nhiễm trùng vẫn còn làm tăng nguy cơ đưa nhiều vi khuẩn vào đường tiết niệu hơn. Điều này có thể làm cho tình trạng viêm nặng hơn và làm chậm quá trình lành vết thương.

Có quan niệm sai lầm rằng khi một người bị viêm đường tiết niệu thì việc dùng bao cao su hoặc tránh quan hệ tình dục xâm nhập bằng cách thức khác là an toàn vì viêm đường tiết niệu không lây truyền qua đường tình dục, do đó bạn tình không lây vi khuẩn sang người kia. 

Thực tế, quan hệ tình dục làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu bằng cách đưa vi khuẩn vào niệu đạo bởi bất kỳ sự tiếp xúc nào với bộ phận sinh dục đều có thể đưa vi khuẩn vào niệu đạo, dù có hoặc không có bao cao su hoặc sự xâm nhập. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, mọi người nên tránh mọi hình thức quan hệ tình dục cho đến khi hết triệu chứng.

Các bác sĩ thường khuyên nên tránh quan hệ tình dục cho đến khi hết nhiễm trùng. Điều này là do quan hệ tình dục có thể gây kích ứng đường tiết niệu và có thể đẩy vi khuẩn vào niệu đạo, khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên trầm trọng hơn.

2. Giảm nguy cơ viêm đường tiết niệu trong chuyện ấy

Viêm đường tiết niệu phổ biến hơn ở nữ so với nam. Điều này là do đường tiết niệu của phụ nữ ngắn hơn của nam giới, khiến vi khuẩn dễ dàng di chuyển đến bàng quang hơn.

Ngoài ra, niệu đạo gần hậu môn hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn từ hậu môn di chuyển lên đường tiết niệu, có khả năng gây nhiễm trùng.

Quan hệ tình dục thâm nhập có thể làm tăng thêm những rủi ro này bằng cách đẩy vi khuẩn vào niệu đạo.

Không có cách nào an toàn tuyệt đối khi quan hệ tình dục nếu bị nhiễm trùng tiểu, nhưng một số cách đơn giản trong hoạt động tình dục có thể làm giảm nguy cơ viêm đường tiết niệu:

- Đi tiểu trước và sau khi quan hệ để loại bỏ vi khuẩn.

- Tránh các hoạt động tình dục có thể lây lan vi khuẩn từ hậu môn đến âm đạo hoặc niệu đạo. Người quan hệ tình dục qua đường hậu môn nên sử dụng bao cao su và nên thay bao cao su sau khi đưa vào hậu môn và trước khi đưa vào bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể.

- Lau từ trước ra sau sau khi đi tiểu hoặc đi tiêu vì điều này có thể ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn từ hậu môn.

- Uống nhiều nước để giúp làm sạch đường tiết niệu. Nguy cơ nhiễm trùng tiểu cao hơn khi một người bị mất nước.

- Hãy hỏi bác sĩ về các lựa chọn thay thế cho phương pháp rào cản. Một số người bị dị ứng với bao cao su, màng ngăn hoặc các phương pháp rào cản khác sẽ bị nhiễm trùng tiểu thường xuyên.

- Hãy cân nhắc việc dùng probiotic. Một số ít thử nghiệm lâm sàng gợi ý rằng men vi sinh có thể ngăn chặn vi khuẩn nguy hiểm phát triển ngoài tầm kiểm soát.

- Rửa tay sau khi chạm vào hậu môn của đối tác hoặc các bộ phận cơ thể khác.

3. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Viêm đường tiết niệu có phải kiêng quan hệ tình dục? - Ảnh 5.

Nếu bị viêm đường tiết niệu hãy đi khám.

Vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng tiểu khi chúng xâm nhập vào niệu đạo hoặc đi vào bàng quang và thận.

Nếu không được điều trị, nhiễm trùng tiểu nặng có thể xâm nhập vào máu hoặc các cơ quan khác, gây bệnh nặng và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Các biện pháp khắc phục tại nhà đôi khi giúp giảm bớt tình trạng nhiễm trùng tiểu tạm thời. Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) cũng có thể có tác dụng nhưng sẽ không tiêu diệt vi khuẩn hoặc điều trị nhiễm trùng cơ bản. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ khi có các triệu chứng của viêm đường tiết niệu dưới đây:

  • Đau khi đi tiểu
  • Đau bàng quang dữ dội
  • Cần đi tiểu nhưng không thể đi tiểu
  • Nước tiểu có mùi hôi hoặc có máu trong nước tiểu
  • Đau hoặc chuột rút ở bụng hoặc háng

Khi viêm đường tiết niệu lây lan đến thận, nó có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Đau lưng
  • Sốt
  • Nôn và buồn nôn
  • Ớn lạnh
  • Cảm thấy ốm yếu, đuối sức

Một người đang điều trị viêm đường tiết niệu nên đi khám bác sĩ nếu:

  • Các triệu chứng không cải thiện sau một hoặc hai ngày dùng kháng sinh
  • Các triệu chứng đột nhiên trở nên tồi tệ hơn
  • Cơn đau không thể chịu nổi, lan ra sau lưng hoặc khiến bạn không thể ngủ được
  • Sốt cao
  • Các triệu chứng của viêm đường tiết niệu nặng hơn nhiều sau khi quan hệ tình dục

Viêm đường tiết niệu thường khỏi sớm khi được điều trị. Tuy nhiên, quan hệ tình dục dễ làm chậm quá trình lành vết thương và thậm chí có thể gây nhiễm trùng khác. Hãy đi khám và hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ về việc khi nào có thể quan hệ tình dục. Lưu ý, nếu vẫn còn đau, hãy đợi cho đến khi cơn đau biến mất hoàn toàn trước khi quan hệ tình dục.

Theo suckhoedoisong.vn