Thực hành 15 phút viết lách mỗi ngày rất tốt cho sức khỏe tâm thần - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Thống kê từ TS James W.Pennebaker (ĐH Texas) và TS Joshua M.Smyth (ĐH Pennsylvania, đều của Mỹ) cho thấy có hơn 200 nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy tác động tích cực của việc viết lách đối với sức khỏe tâm thần.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách lý giải tại sao viết có thể giúp ích hoặc cách viết nào mang lại nhiều lợi ích hơn. Một giả thuyết cho rằng việc dồn nén cảm xúc mà không thể giải phóng ra sẽ dẫn đến hiện tượng tiêu cực cho tâm lý, như cảm giác bế tắc, chật vật, đau khổ. Vì vậy, khi viết, chúng ta được giải tỏa những cảm xúc đã bị chai sạn một cách an toàn và chính điều này giúp cải thiện tình trạng sức khỏe tâm thần.
Một số nghiên cứu gần đây đưa ra lập luận mới hơn, rằng sự gia tăng nhận thức về bản thân thông qua việc viết lách, thay vì chỉ bộc lộ cảm xúc, mới là chìa khóa cho những cải thiện về sức khỏe tâm thần.
Về bản chất, tự nhận thức được hiểu là nhận thức rõ hơn về các đặc điểm, hành vi, cảm xúc, niềm tin, giá trị và động cơ của bản thân. Bên cạnh việc giúp kiểm soát bản thân tốt hơn, nó có thể làm tăng sự tự tin và khuyến khích chúng ta chấp nhận chính mình cũng như người khác. Nó cũng dẫn đến sự hài lòng trong công việc hay trong đời sống cao hơn và thúc đẩy chúng ta làm việc hiệu quả hơn.
Tất cả mọi người đều có thể cải thiện khả năng tự nhận thức. Viết lách đặc biệt hữu ích vì có thể dễ dàng thực hành hằng ngày với chỉ 15 phút. Đọc lại những gì đã viết cũng có thể cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi và niềm tin của bản thân.
Sau đây là 3 kiểu viết có thể cải thiện khả năng tự nhận thức:
1. Viết biểu cảm
Viết văn biểu cảm thường được sử dụng trong các môi trường trị liệu, nơi mọi người được yêu cầu viết về những suy nghĩ và cảm xúc liên quan đến một sự kiện căng thẳng trong cuộc sống. Thể loại văn này nhằm mục đích giúp cảm xúc đối diện với những vấn đề khó khăn. Viết nhật ký là một ví dụ rõ ràng và dễ thực hiện nhất của thể loại viết văn biểu cảm.
Nghiên cứu về vấn đề trên đã được công bố trên chuyên san y khoa quốc tế Complementary Therapies in Clinical Practice năm 2018. Nghiên cứu chứng minh rằng viết biểu cảm có thể nâng cao nhận thức về bản thân, làm giảm các triệu chứng trầm cảm, suy nghĩ lo lắng và rối loạn căng thẳng.
2. Viết phản xạ
Viết phản xạ thường xuyên được sử dụng trong các môi trường trị liệu chuyên nghiệp, thường được y tá, bác sĩ, giáo viên, nhà tâm lý học và nhân viên xã hội áp dụng. Viết phản xạ nhằm mục đích cung cấp cho mọi người cách đánh giá niềm tin và hành động của bản thân một cách rõ ràng để học hỏi và phát triển.
Viết phản xạ đòi hỏi một người phải tự đặt câu hỏi liên tục và phân tích nó. Phương pháp này có thể nâng cao nhận thức về bản thân bằng cách giúp mọi người học hỏi từ kinh nghiệm và hành động của họ. Điều này có thể cải thiện các mối quan hệ trong cuộc sống lẫn công việc, là chỉ số quan trọng để đánh giá sức khỏe tâm thần.
3. Viết sáng tạo
Thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết đều được coi là những hình thức viết sáng tạo. Bằng cách cho phép bạn hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau ở bất kỳ bối cảnh nào, viết sáng tạo cung cấp một cách thức độc đáo để khám phá suy nghĩ, cảm xúc, ý tưởng và niềm tin. Viết một cách sáng tạo về những trải nghiệm khó khăn, chẳng hạn như nỗi đau, cũng có thể là cách để truyền đạt cho người khác điều mà bạn cảm thấy quá phức tạp hoặc khó nói trực tiếp.
Cách viết sáng tạo khuyến khích mọi người chọn từ ngữ, phép ẩn dụ và hình ảnh theo cách họ thực sự muốn truyền tải, dù nó có kỳ quặc như thế nào. Theo nghiên cứu đăng trên chuyên san Poetry Therapy (Mỹ), viết sáng tạo giúp tăng cường tự nhận thức, mở rộng trí tưởng tượng, không giới hạn bản thân, góp phần đáng kể trong hành trình cải thiện tích cực đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo thanhnien