Sự sẵn có của các công nghệ hỗ trợ cho việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng là một phần nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính tại Việt Nam. Ảnh: Girlstalkinsmack.

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia giới và nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, cho biết ở Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh được phát hiện từ những năm 2009, sau đợt tổng điều tra dân số.


Dù xuất hiện sau một số quốc gia, vùng lãnh thổ, tình trạng này của Việt Nam lại diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng ở mức cao và nghiêm trọng.

Tỷ số này đã tăng từ 106,2/100 (bé trai so với bé gái) năm 2000 lên 114,8/100 vào năm 2018. Năm 2019, tỷ số giảm nhưng vẫn ở mức cao là 111,5 bé trai/100 bé gái, đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo bà Quỳnh Anh, nếu không có biện pháp khắc phục, đến năm 2050, Việt Nam phải đối mặt viễn cảnh khoảng 2,3-4,3 triệu đàn ông không thể kết hôn vì thiếu nữ giới.

Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số nhân khẩu học, dẫn đến các hệ lụy khó lường về mặt xã hội, gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như nhiều phụ nữ kết hôn sớm; tỷ lệ ly hôn và tái hôn; tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ có nguy cơ tăng cao...

Khi mới được phát hiện, mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Hồng nhưng nay đã được phát hiện trên 40 tỉnh, thành. Tình trạng này xảy ra ở cả thành thị lẫn nông thôn, gia đình có điều kiện kinh tế hoặc kém hơn.

Nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng này ở Việt Nam không khác so với các nước châu Á. Đó là bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Mọi người ưa thích con trai hơn vì nhiều lý do khác nhau như có người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, thêm lực lượng lao động trong gia đình, đặc biệt ở những nơi yêu cầu công việc nặng nhọc như vùng biển, mỏ than...

Theo văn hóa Việt Nam, sau khi kết hôn, người phụ nữ thường chuyển về sống ở gia đình nhà chồng, không có điều kiện chăm sóc cha mẹ mình. Bên cạnh đó, chính sách chăm sóc người cao tuổi ở Việt nam chưa đầy đủ và hiệu quả. Sự sẵn có của các công nghệ hỗ trợ cho việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng là một phần nguyên nhân.

“Mỗi gia đình chỉ có 2 con nên các cặp vợ chồng thường phải cố gắng sinh ít nhất một đứa con trai. Điều này đặc biệt rõ ở Việt Nam vì mất cân bằng giới tính khi sinh cao ngay ở lần sinh đầu tiên. Chúng tôi thường gọi ‘quy luật dừng’ - tức nếu sinh được con trai, các cặp vợ chồng không sinh con nữa”, bà Quỳnh Anh nói.

Chuyên gia cũng cho biết nghiên cứu của Liên Hợp Quốc chỉ ra phụ nữ Việt Nam phải bỏ ra trung bình 5 tiếng mỗi ngày để làm việc nhà trong khi nam giới chỉ có 3 giờ. Điều này khiến phụ nữ có ít thời gian hơn để tái tạo sức lao động, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi phụ nữ cũng chiếm đến 70% lực lượng lao động, điều này ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình và phát triển kinh tế toàn xã hội.

“Nhiều nam giới có thể chăm sóc con cái, làm việc nhà rất tốt. Do định kiến nên nam giới ít tham gia vào công việc này. Định kiến cần được thay đổi và xóa bỏ càng sớm càng tốt. Từ đó mới có thể tạo điều kiện cho phụ nữ và nam giới phát huy được hết khả năng của mình để đóng góp cho sự phát triển của gia đình và xã hội”, bà Quỳnh Anh cho hay.

Để chấm dứt tình trạng này, chuyên gia cho rằng truyền thông cần góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, triển khai các chương trình về bình đẳng giới cũng rất quan trọng. Ví dụ chính sách con gái cũng được thừa kế bình đẳng như con trai, vợ chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ... Đồng thời, việc xây dựng và thực hiện chính sách về bảo trợ xã hội cho người cao tuổi cũng cần được ưu tiên, nhằm giảm áp lực cho các cặp vợ chồng phải có con trai để chăm sóc mình khi về già.

Theo zingnews