Chia sẻ tại hội thảo khoa học "Phương pháp phòng ngừa suy giảm vận động và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi" diễn ra ngày 11/10 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu, Phó chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam cho biết, sa sút trí tuệ là hội chứng của nhiều nguyên nhân dẫn tới suy giảm nhận thức, tri giác, giao tiếp, ghi nhớ... thường xảy ra ở người già, trên 60 tuổi.

Vùi đầu vào thế giới ảo, điện thoại... làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ - 1

Kiểm tra chức năng vận động ở người già (Ảnh: H.Hải).

Trên thế giới, khoảng 7% người cao tuổi gặp tình trạng này. Tại Việt Nam, khoảng trên 500.000 người mắc hội chứng sa sút trí tuệ.

Hội chứng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60 - 80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ. 

Đáng nói, PGS Lưu cảnh báo, tình trạng suy giảm trí nhớ không còn gặp ở người già. Gần đây có xu hướng nhiều người trẻ có biểu hiện sa sút trí tuệ sớm, có thể gặp ở người có bệnh lý (não, đột quỵ), một số trường hợp liên quan lối sống ít vận động, giảm giao tiếp xã hội, lười tư duy, nghiện thuốc, bia rượu…thậm chí cả áp lực công việc quá lớn.

Theo PGS Lưu, trước đây, cuộc sống cởi mở hơn, các lứa tuổi có sinh hoạt tập thể, cộng đồng nhiều hơn. "Ngày nay, giới trẻ sống độc lập hơn, vùi đầu vào thế giới ảo, mỗi người một máy tính, điện thoại... làm giảm tương tác, giao tiếp, ảnh hưởng đến khả năng khả năng giao tiếp, nhận thức... lâu dần nhớ nhớ, quên quên. Đây là những nguy cơ nằm trong nhóm sa sút trí tuệ, chứ không đơn giản suy giảm trí nhớ thông thường", PGS Lưu đánh giá.

Bên cạnh đó, lối sống tiêu cực như lạm dụng thuốc giảm đau, lạm dụng chất kích thích bia rượu lâu dài dẫn tới suy giảm nhận thức, ghi nhớ, tương tác... gây thoái hóa thần kinh sớm, cuối cùng sa sút trí tuệ.

Những áp lực về công việc, căng thẳng, không đáp ứng được công việc khiến mọi người trở nên trì trệ, không tương tác, thậm chí trầm cảm, những điều này có thể dẫn tới nguy cơ sa sút trí tuệ.

"Bệnh quên có thể đến với người trẻ, trung niên, trước khi người ta già", chuyên gia nói.

Để phòng ngừa nguy cơ sa sút trí tuệ, PGS Lưu khuyến cáo phải hạn chế các nguyên nhân tiêu cực, có lối sống năng động, cởi mở, giao tiếp nhiều hơn, rèn luyện thể lực. Hãy sử dụng mạng xã hội, điện thoại có kiểm soát, dành thời gian cho vận động, giao tiếp, giảm bia rượu...

Vùi đầu vào thế giới ảo, điện thoại... làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ - 2

Theo PGS Lưu, tăng cường vận động là phương pháp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.

Người già cũng cần phải tăng cường vận động, vì sa sút trí tuệ có thể làm giảm vận động, suy giảm sức khỏe dẫn đến người già phải sống phụ thuộc.

"Ngay cả một người khỏe mạnh nếu nằm suốt trên giường sẽ giảm 20% sức cơ của chi dưới sau tuần đầu tiên, 40% sau tuần thứ hai và 60% sau tuần thứ ba. Sự suy giảm chức năng do không sử dụng xảy ra ở nhiều bộ phận trong cơ thể như cơ xương khớp, da, tim, cơ quan hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu. Cơ bắp bị teo và yếu cơ, các khớp bị và da bị loét này được gọi là " hội chứng khiếm dụng".

Đặc biệt đối với những người cao tuổi, từ không vận động có thể rơi vào trạng thái "không đứng dậy được", " không đi được" lúc nào không biết. Hội chứng trầm trọng hơn khi tình trạng chậm chạp, yếu cơ tiến triển và khả năng đi bộ suy giảm hơn nữa. Những suy giảm chức năng vật lý khác cũng bộc lộ rõ ràng và những suy giảm chức năng thần kinh như giảm động lực xuất hiện. Kết quả là, cuộc sống ngày càng trở nên thiếu hoạt động, dẫn đến một vòng suy thoát cuối cùng phải nằm liệt giường.

Dấu hiệu cảnh báo sa sút trí tuệ

Ở giai đoạn đầu, biểu hiện của sa sút trí tuệ rất thầm lặng, nhiều khi biểu hiện như khó ghi nhớ, quên những việc mới làm, như đang cầm bút trên tay, định viết lại đi tìm bút, kính đeo trên đầu lại đi tìm kính... Nếu lặp đi lặp lại thường xuyên sẽ tiến triển, cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, lập kế hoạch rõ ràng, ghi chú để tập thói quen ghi nhớ.

Ở giai đoạn trầm trọng hơn sẽ dẫn đến mất trí nhớ.

Theo PGS Lưu, người Việt Nam chưa có thói quen tiếp cận dịch vụ y tế sớm, khi ở giai đoạn đầu của sa sút trí tuệ. Trong khi căn bệnh này không chỉ khiến người bệnh không thể thực hiện hành vi hoặc tự sinh hoạt, nghiêm trọng hơn, các biến chứng của bệnh còn có thể dẫn đến suy nhược cơ thể, nhiễm trùng và thậm chí tử vong.

Do đó, sa sút trí tuệ không nên được xem là một dạng suy giảm trí nhớ thông thường, người dân nên đi thăm khám, tầm soát để phát hiện bệnh sớm và quản lý  triệu chứng, điều trị các bệnh là nguyên nhân gây sa sút trí tuệ.

Phục hồi chức năng là việc hỗ trợ để bản thân bệnh nhân có thể tự mình thực hiện những hành vi mà trước đó không tự làm được. Đối với những trường hợp mất trí nhớ, mục tiêu đặt ra là xóa sạch các triệu chứng như: đi lang thang, ăn vật lạ, gom đồ, dữ dằn, phản kháng và đưa người cao tuổi trở lại cuộc sống thường ngày.

   

Theo dantri.com.vn