leftcenterrightdel
 

Tuần trước, một người bạn của tôi nhắn tin: “Công ty mình chính thức phá sản, mình sắp bị trầm cảm, không còn muốn làm gì nữa, không muốn suy nghĩ gì nữa”.

Trước đó, rất nhiều người bạn khác cũng nhắn tin thở than “muốn trầm cảm”. Trầm cảm là hai chữ kể từ khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát tôi đã nghe đi nghe lại từ bạn bè, người quen trên Facebook.

Với những người bạn, tôi gọi ngay cho họ để lắng nghe, để chia sẻ và đều đặn nhắn tin hỏi thăm để biết rằng bạn mình bình yên trong “bão”. Với những người quen trên Facebook tôi cũng tích cực comment trên mỗi nội dung họ đăng, như một cách động viên, an ủi.

Trong thời điểm gian khó này, mỗi sáng thức dậy tôi thấy mình còn được ở nhà, thấy mình và những người thân yêu trong gia đình khỏe mạnh, đã là hạnh phúc.

Nhưng tôi cũng hiểu cảm giác của những người bạn mình, trước dịch họ được đi lại tự do, có việc làm ổn định, có công ty riêng… nay bỗng nhiên trở thành người thất nghiệp, thậm chí phá sản, mất công ty và bị cầm chân trong nhà 24/24…

Tâm trạng tù túng, ngột ngạt và nỗi lo lắng cho tương lai, khiến sức khỏe tinh thần của nhiều người không còn khỏe mạnh.

Thú thật, khi dịch xảy đến, tôi cũng đã từng trải qua cảm giác “muốn trầm cảm”, nhưng tôi may mắn thoát khỏi nó nhanh chóng nhờ học cách chấp nhận và thích ứng.

Nhà tôi có ban công, sẵn có ít đất và có ít hạt giống có lẽ mua từ “tám tỷ năm trước”, tôi bắt đầu gieo trồng. Tôi dành một ngày dọn dẹp ban công sạch sẽ, sắp xếp các chậu trồng cây cho gọn gàng, tôi đổ đất, gieo hạt và tập cho mình thói quen tưới tắm chúng ngày hai lượt.

Cứ thế, mỗi buổi sáng thức dậy tôi cảm nhận được niềm vui khi ngắm các mầm cây nhú ra từ đất và lớn dần, lớn dần. Tôi hay pha cho mình ly trà hoa cúc thơm ngát, kê chiếc ghế nhỏ ở ban công vừa nhấm nháp hương vị trà, vừa thưởng thức khoảng xanh đáng yêu.

Tôi cũng tập cho mình thói quen đọc sách trở lại. Tôi hay mua sách, đặc biệt vào những dịp giảm giá hay dịp đi hội chợ sách, nhưng mua rồi cũng để đó vì bận quá, nói đúng hơn là “lười quá”.

Nay là thời điểm thích hợp để đọc, mỗi tuần tôi ra tự nhủ mình phải đọc hết hai cuốn, nhờ vậy đống sách chưa đọc trên kệ bắt đầu vơi, và cảm giác “muốn trầm cảm” cũng mất dần.

Lâu lắm rồi tôi không có thói quen xem phim với con trai, có lẽ từ khi cậu nhóc vào lớp Một, còn nay con đã là học sinh đầu cấp II. Bây giờ cũng là thời điểm thích hợp để “khôi phục” thói quen tốt ấy. Vậy là mỗi tối cơm nước xong, hai mẹ con lại lên mạng xem phim, cùng bàn luận về các nhân vật, các tình huống trong phim.

Nhiều người nói phim không giống đời, đúng là các tình huống trong phim không giống đời, đôi khi “làm quá”. Nhưng không thể phủ nhận, tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích và thú vị từ phim, nhận được nhiều thông điệp sống tích cực và ý nghĩa.

Bộ phim khiến tôi ấn tượng nhất là Mưu cầu hạnh phúc (The pursuit of pappyness), kể về Chris Gardner một người bán hàng không gặp may thất bại trong kinh doanh, rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, bị vợ bỏ, bị đuổi khỏi nhà do không trả được tiền thuê…

Tất cả mọi cánh cửa dường như đã đóng sập lại với Chris. Nhưng nhờ ý chí và đặc biệt là có cậu con trai Christopher, Chris đã vươn lên nghịch cảnh.

Rồi tôi tham gia lớp thiền khi được cô bạn cùng lớp đại học rủ rê. Thú thật, trước đây tôi từng muốn tìm hiểu thiền vì biết thiền có nhiều lợi ích với sức khỏe và giúp bình an tâm trí, nhưng chưa dành tâm sức cho việc ấy.

Bây giờ, từ một người không thể ngồi yên một phút, không thể kiểm soát tâm trí của mình quá mười giây, từng nghĩ rằng mình không thể thiền được… tôi đã thiền đều đặn và có thể ngồi yên trong 30 phút.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

 

Câu nói của nhận vật Chris Gardner trong phim Mưu cầu hạnh phúc khiến tôi ấn tượng nhất là: “The world is your oyster. It’s up to you to find the pearls” (tạm dịch: Thế giới là con hàu của bạn, tùy vào cách bạn tìm ngọc trai!).

Nhẩm lại lời của Chris Gardner, tôi tự nói với chính mình “Đại dịch COVID-19 là con hàu, tùy vào cách bạn tìm ngọc trai”. Có lẽ, tôi đã tìm thấy viên ngọc trai của mình.

Nghịch cảnh - ở đây là đại dịch COVID-19 - giúp tôi thay đổi và bổ sung những gì còn khuyết hoặc giúp tôi khám phá những sức mạnh còn tiềm ẩn bên trong.

Sau hai tuần thực hành trồng cây, đọc sách, xem phim và thiền, tôi đã thực sự bình ổn tâm trí trở lại, và biến những điều mà tôi nghĩ mình không thể thành có thể, hoặc “khôi phục” lại những điều thú vị trong cuộc sống mình đã bỏ quên. 

Theo phunuonline