Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông ở một vùng quê, tuổi thơ vất vả nhưng êm đềm; rồi cuộc sống bỗng chốc đảo lộn khi bố mất, hồi đó tôi chưa ở tuổi vị thành niên. Kể từ đó, tôi vừa làm chị vừa làm mẹ, chăm em nhỏ mỗi ngày để mẹ đi làm.

Ở tuổi 18, mẹ muốn gả tôi cho một người có điều kiện trong xã. Tôi trốn nhà lên thành phố học đại học và bắt đầu ngày tháng tự lập. May mắn, tôi qua được 4 năm với bao khó khăn chẳng nói thành lời, tốt nghiệp và có khả năng giao tiếp bằng hai ngoại ngữ. Tốt nghiệp xong tôi nhanh chóng tìm được công việc khá tốt, lương khá, có điều hơi trái ngành và nhiều áp lực. Tôi chăm chỉ và kiên trì nỗ lực vì biết mình mới ra trường chưa có kinh nghiệm, mỗi ngày đều làm việc 10-12 tiếng, học thêm ngoại ngữ, cuối tuần đăng ký lớp cao học. Hơn một năm sau, tôi có thể trả nợ cho mẹ, chu cấp cho các em và bắt đầu có tiền tiết kiệm. Tôi cũng dẫn mẹ đi du lịch nhiều nơi để bù đắp cho bà. Sau đó tôi được thăng chức, tăng lương, đồng nghĩa phải làm việc với cường độ cao hơn và đối mặt với không ít thị phi chốn công sở. Tôi có tình yêu xa nhiều năm cũng xác định đến hôn nhân khi học xong.

Lúc những tưởng khó khăn đã qua thì tôi biết mình bị phản bội và gia đình gặp biến cố. Tôi bình tĩnh chia tay khi biết họ đã sống chung hơn một năm, chúc phúc cho họ vì nghĩ duyên số vốn dĩ không thể cưỡng cầu. Tôi cũng sắp xếp gia sự ổn thỏa như người trụ cột, biết mình mất gia đình kể từ lúc này, chỉ còn các em và phải ráng lo cho chúng nên người.

Bình thường tôi là người hoạt bát, năng động, sống tích cực, không chơi bời ăn diện phấn son, chỉ trang điểm nhẹ khi đi làm. Tôi biết nấu ăn, đọc sách và luôn tập thể thao mỗi ngày. Bẵng đi hai tháng tôi nghĩ mình chỉ buồn thôi vì đó là cảm xúc dĩ nhiên khi trải qua ngần ấy chuyện, rồi tôi bắt đầu có những phản ứng tâm lý tiêu cực, nóng nảy, chán ăn, rất sợ ánh sáng, tiếng ồn, đặc biệt là tiếng trẻ con khóc và tiếng quát mắng trẻ con của các bà các mẹ (dù chỉ vô tình thấy ngoài đường).

Tôi cứ cố gắng thêm gần một tháng nữa thì bắt đầu gặp ác mộng, thức dậy lúc nửa đêm và không thể ngừng khóc. Có tiếng nói trong đầu rằng tôi nên làm hại bản thân, những cơn đau đầu triền miên hành hạ tôi hầu như mỗi ngày, tôi sụt cân và nhợt nhạt trông thấy. Tôi đi khám tổng quát vì nghĩ mình bị bệnh gì đó, lúc đo điện não bác sĩ khuyên tôi làm một vài bài trắc nghiệm tâm lý, sau đó kết luận tôi bị trầm cảm, rối loạn lo âu, đó cũng là nguyên nhân tôi đau đầu và rất mau quên dù trước đây khả năng ghi nhớ khá tốt.

Ngồi trên chuyến bay về nhà, tôi cố kìm nén để không khóc, trong cơn hoảng loạn tôi bắt đầu sợ hãi. Xin nghỉ phép 4 ngày, tôi ngồi một mình thật lâu chỉ để xâu chuỗi tất cả những gì xảy đến với mình. Tôi nói với gia đình thì chỉ nhận được lời mỉa mai: "Chắc nó giả vờ chứ bình thường mạnh mẽ thế mà, làm gì trầm cảm".

Một tuần sau, tôi nộp đơn xin nghỉ việc, nhắn tin cho gia đình rằng tạm thời chỉ giữ liên lạc qua tin nhắn, bản thân cần thời gian chữa trị. Dù bị phàn nàn, trách mắng, tôi bỏ ngoài tai. Với tôi lúc đó phải chữa trị và được sống bình thường mới là điều quan trọng. Tôi lại đặt chuyến bay đi gặp bác sĩ tâm lý lần đầu tiên, 4 tiếng đồng hồ dài ngồi kể về mình, nước mắt không ngừng rơi. Lần đầu tiên tôi kể lể nhiều đến thế về mình cho một người khác. Bác sĩ nói tôi đã dùng hết năng lượng rồi, giờ đến lúc bản thân lên tiếng chống đối đấy thôi.

Tôi trở về theo lời khuyên của bác sĩ, tập ra ngoài vào buổi sáng sớm, gần gũi với thiên nhiên, nghe nhạc sóng não và đọc sách, tập yoga và học thiền căn bản. Thời gian đầu rất phấn khởi với khao khát khỏi bệnh, tôi nghe lời bác sĩ nhưng vẫn không khá hơn được là bao, ác mộng vẫn đến hàng đêm; tôi vẫn khóc và làm đau chính mình. Có lúc tôi muốn dừng lại, thật sự quá đơn độc.

Những năm qua tôi vùi mình học tập, đi làm thêm và chỉ có một mối quan hệ yêu đương. Tôi không có nhiều bạn bè thân dù vòng quan hệ quen biết không phải hạn hẹp, thế nhưng những điều tôi trải qua đâu dễ nói được với người ngoài. Tôi chọn cách viết, viết thật nhiều những khi bất ổn. Mỗi khi cơn trầm cảm kéo đến, tôi nghe lời bác sĩ, tự lẩm nhẩm rằng mình còn trẻ, sẽ vượt qua được và khỏi bệnh thôi.

Gần một tháng sau đó tôi bắt đầu xin việc làm mới. May mắn một lần nữa mỉm cười khi tôi tìm được công việc có mức lương gấp đôi ở công ty cũ, được làm online và an toàn trong mùa dịch. Gần một năm điều trị, dù chưa hoàn toàn khỏi bệnh nhưng tôi khá hơn rất nhiều. Tôi kiên trì nấu ăn và đạp xe mỗi ngày dù nấu xong vẫn rất biếng ăn, bác sĩ nói như vậy tốt cho tinh thần của bản thân. Tôi tìm được cách hướng tới những điều vui vẻ, tích cực, giản đơn trong cuộc sống. Tôi đặt mục tiêu dài nhất hai năm nữa phải khỏi bệnh và mở lòng cho một mối quan hệ mới, bình an, cẩn thận hơn.

Khi có người trẻ nói bị trầm cảm, mình là người thân, bạn bè, xin hãy tin họ, cho họ thời gian và niềm tin, chí ít cũng khuyên họ dũng cảm đối mặt, đi gặp bác sĩ tâm lý và điều trị. Tôi tin không phải ai cũng may mắn như tôi; bệnh tinh thần và bệnh thể chất đều có tác hại như nhau, thậm chí bệnh tinh thần có thể hủy hoại một đời người nếu không được giúp đỡ kịp thời. Cám ơn những ai đã đọc bài tâm sự của tôi, chúc các bạn bình an qua đại dịch.

Theo vnexpress