Ngày 19/9, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh New York (Mỹ) rằng lũ lụt, cháy rừng, hạn hán và sự tấn công dữ dội của thời tiết khắc nghiệt đang gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu WHO, cho biết: “Cuộc khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng sức khỏe; nó gây ra thời tiết khắc nghiệt và cướp đi sinh mạng trên khắp thế giới”.
Ông nói thêm: “Dĩ nhiên, băng tan và mực nước biển dâng cao là những vấn đề quan trọng, nhưng đối với hầu hết mọi người, chúng là những mối đe dọa xa xôi cả về thời gian và địa điểm”.
Ông Tedros phát biểu tại sự kiện tuần lễ khí hậu ở New York về mối liên hệ giữa sức khỏe toàn cầu và khủng hoảng khí hậu. Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 tại Dubai vào tháng 12/2023 sẽ bao gồm ngày sức khỏe toàn cầu, nơi các vấn đề sức khỏe trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu sẽ được thảo luận.
Tổng thống Malawi - Lazarus Chakwera - cho biết, việc bổ sung ngày sức khỏe toàn cầu là điều cần thiết nhưng đã bị bỏ quên suốt nhiều năm. Ông lưu ý, một loạt cơn bão nhiệt đới liên tiếp đã dẫn đến đợt bùng phát dịch tả tồi tệ nhất trong lịch sử Malawi và để lại các hậu quả cho cuộc sống của hơn 2 triệu người.
Theo ông, Malawi được xếp hạng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu và “việc củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng là điều tối quan trọng để chống chọi với các thảm họa liên quan đến khí hậu”.
Đã có những cảnh báo về dịch bệnh ở Libya sau trận lũ lụt thảm khốc giết chết hơn 20.000 người ở thành phố cảng Derna. Nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua nước đe dọa làm tăng thêm số người tử vong.
Ông Chakwera cho biết: “Số người chết và bị thương do các thảm họa liên quan đến khí hậu sẽ tiếp tục gia tăng trừ khi chúng ta khẩn trương thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với khí hậu”.
Tiến sĩ Vanessa Kerry - đặc phái viên đầu tiên của WHO về biến đổi khí hậu và sức khỏe - cho biết: “Biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng sức khỏe. Chúng ta biết rằng mỗi năm có 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí. Con số này tương đương hơn 1 sinh mạng trong mỗi 5 giây, nhiều hơn cả tốc độ tử vong vì đại dịch COVID-19”.
Bà Kerry - con gái của đặc phái viên về khí hậu và cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry - là người sáng lập Seed Global Health, nơi đào tạo nhân viên y tế ở các nước đang phát triển.
Bà Kerry cho biết các biện pháp cụ thể có thể được thực hiện bao gồm đào tạo thêm nhân viên y tế và xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cường hơn, bao gồm việc đảm bảo đủ thuốc men và cải tạo các bệnh viện để chúng có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cơn bão cực đoan.
Theo phụ nữ TPHCM