|
|
Nhiều người có xu hướng đi du lịch nhiều hơn sau thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19 - Ảnh: Shutterstock |
Như một điều hiển nhiên, mọi người có xu hướng “bung xõa” bằng cách đi du lịch thường xuyên hơn trong thời gian dài hơn sau hơn 2 năm chôn chân vì COVID-19.
Thế nhưng thực tế lại không hoàn toàn đúng như vậy khi vẫn có những người tỏ ra không còn hứng thú đi du lịch nữa, bất kể là trong nước hay ra nước ngoài.
Một cuộc khảo sát với 16.000 người trưởng thành ở 15 quốc gia do công ty tình báo toàn cầu Morning Consult (Mỹ) thực hiện mới đây cho thấy, châu Á là nơi có tỷ lệ cao nhất khẳng định họ sẽ "không bao giờ đi du lịch", trong đó 15% là người Hàn Quốc và 14% là người Trung Quốc. Xu hướng tương tự cũng xảy ra ở khu vực Bắc Mỹ với 14% người Mỹ và 11% người Mexico có chung quan điểm như vậy.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, có tới 77% người Đức được hỏi cho biết, họ có kế hoạch đi du lịch trong 12 tháng tới.
|
Người dân Nhật Bản không muốn đi du lịch nước ngoài. Thay vào đó, họ lựa chọn du lịch nội địa - Ảnh: CNBC |
Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên hơn cả lại là Nhật Bản nơi có khoảng 35% số người được hỏi cho biết họ không có ý định đi du lịch nữa.
Lindsey Roeschke, chuyên gia phân tích du lịch và khách sạn tại Morning Consult cho biết, những người tham gia cuộc khảo sát đã được hỏi 2 lần vào tháng 4 và tháng 7/2022, và kết quả của cả 2 lần phỏng vấn đều không thay đổi.
Nhiều quốc gia chứng kiến sự bùng nổ du lịch nước ngoài do nhu cầu tăng cao sau đại dịch, cùng với việc biên giới nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với người dân Nhật Bản bởi phần đông lựa chọn "đi du lịch trong nước", chủ một công ty du lịch của Nhật Bản cho biết.
Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO), chỉ có khoảng 386.000 người Nhật Bản đi du lịch nước ngoài hồi tháng 8/2022 – một khoảng cách lớn so với hơn 2,1 triệu người đã đi du lịch nước ngoài vào tháng 8/2019.
|
Ngại rủi ro, tiết kiệm chi tiêu là những lý do chính khiến người dân một số quốc gia châu Á không muốn xuất ngoại - Ảnh: Peerapon Boonyakiat/Zuma/dpa |
Hideki Furuya, giáo sư chuyên nghiên cứu về hành vi của khách du lịch tại Đại học Toyo (Nhật Bản) lý giải rằng, điều này phản ánh "tâm lý ngại rủi ro" của nền văn hóa xứ sở Mặt trời mọc bên cạnh việc người dân lựa chọn giải pháp thắt chặt chi tiêu để “né” lạm phát.
“Rào cản ngôn ngữ và thiếu các kỳ nghỉ được hưởng lương cũng là những lý do tại sao du lịch trong nước được người dân Nhật Bản ưa chuộng hơn là đi du lịch dài ngày ở nước ngoài”, Giáo sư Hideki Furuya tiết lộ thêm.
Theo phụ nữ TPHCM